Biến hợp đồng giả cách thành thật
Theo nội dung đơn tố giác tội phạm của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai gửi lãnh đạo Bộ Công an, năm 2017, Công ty Phú Thuận Lợi, tên mới là Công ty Kim Oanh Đồng Nai (gọi tắt là Công ty Kim Oanh) nhận chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Bất động sản Minh Thành trong dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) có diện tích 567.276m2 với giá 530 tỷ đồng. Vì cần khoản tiền 115 tỷ đồng để thanh toán tiếp cho bên bán (Công ty Xây dựng Minh Thành và 2 cá nhân khác), Công ty Kim Oanh thông qua môi giới đã vay 350 tỷ đồng (lãi suất 36%/năm), trả lãi 3 tháng/lần với 31,5 tỷ đồng lãi cùng điều kiện phải ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Để cho vay số tiền trên, ông Trần Quí Thanh yêu cầu thanh lý hợp đồng (HĐ) nguyên tắc giữa đại diện 2 Công ty Minh Thành và Kim Oanh để ký HĐ chuyển nhượng mới với bà Bích, bà Phương và Công ty TCS (công ty đại diện do ông Thanh chỉ định, được cho là hợp đồng giả cách), đồng thời làm văn bản “Cam kết bán lại” cổ phần cho Công ty Kim Oanh. Quá trình vay tiền, bên cho vay 3 lần viết giấy “cam kết bán lại” - bản chất thực của giấy này là thỏa thuận mức lãi phải trả và phương thức trả lãi, lần cuối cùng các bên đã thỏa thuận như sau: “Nếu mua trước ngày 13-11-2020, giá bán là 444,5 tỷ đồng thì Công ty Kim Oanh Đồng Nai phải đặt cọc 94 tỷ đồng, chia làm 3 đợt, mỗi đợt 31,5 tỷ đồng”. Tuy nhiên, sau đó nhóm cho vay cùng với đại diện Công ty Minh Thành biến hợp đồng giả cách thành thật nhằm chiếm đoạt dự án.
Theo giao kết, khi Công ty Kim Oanh thanh toán đủ tiền lãi và gốc thì phía ông Trần Quí Thanh và Công ty TCS phải chuyển nhượng lại 100% cổ phần của Công ty BĐS Minh Thành và giao lại dự án cho công ty nhưng phía ông Thanh và Công ty TCS đã cấu kết với một số cá nhân khác không thực hiện giao kết mà tìm cách chiếm đoạt tài sản (ước tính trị giá hiện tại đến hàng ngàn tỷ đồng).
Nhận lại tiền nhưng không thanh lý hợp đồng
Cũng theo đơn tố cáo trên, vào tháng 10-2017, Công ty Nhơn Thành ký thỏa thuận về việc hứa chuyển nhượng dự án Nhơn Thành gắn liền với chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp của doanh nghiệp cho Công ty Kim Oanh. Do cần vốn để trả tiếp cho Công ty Nhơn Thành, qua môi giới của đại diện Công ty TCS, phía Kim Oanh cũng đã vay của bà Trần Ngọc Bích 150 tỷ đồng, lãi suất 3%/ tháng, trả 3 tháng/lần và điều kiện kèm theo để bà Bích giải ngân cho Công ty Kim Oanh thì công ty phải thanh lý thỏa thuận chuyển nhượng dự án đã ký trước đó với Công ty Nhơn Thành.
Đến ngày 28-11-2019, Công ty Nhơn Thành và bà Bích đã ký HĐ nguyên tắc về việc chuyển nhượng dự án Nhơn Thành với giá 150 tỷ đồng, Cùng ngày, bà Bích ký cam kết bán lại HĐ nguyên tắc giữa bà Bích với Công ty Nhơn Thành cho Công ty Kim Oanh. Ngay trong ngày, bà Bích đã giải ngân 150 tỷ đồng cho Công ty Nhơn Thành và phía Công ty Kim Oanh đã 2 lần trả tiền lãi 13,5 tỷ đồng/lần vào các ngày 28-11-2019 và 27-2-2020.
Tiếp đó, ngày 28-5-2020, Công ty Kim Oanh và bà Bích thanh lý “Cam kết bán lại” lần 1 và ký “Cam kết bán lại” lần 2 với giá chuyển nhượng 178,5 tỷ đồng kèm điều khoản đặt cọc đợt 1 vào ngày 28-5-2020 (số tiền 13,5 tỷ đồng), đợt 2 vào ngày 29-6-2020 (15 tỷ đồng) và trước ngày 13-8-2020, Công ty Kim Oanh phải thanh toán 150 tỷ đồng. Sau đó, phía công ty Kim Oanh đã 2 lần thanh toán theo đúng thỏa thuận và đến ngày 12-8-2020, Công ty Nhơn Thành chuyển 150 tỷ đồng cho bà Bích với nội dung “thanh toán theo biên bản thanh lý HĐ nguyên tắc về việc chuyển nhượng dự án Nhơn Thành”. Bà Bích xác nhận đã nhận số tiền này và như vậy, việc vay mượn giữa các bên đã thanh toán xong và đã thực hiện hủy một phần công chứng và vi bằng liên quan đến đất đai thuộc dự án.
Tuy nhiên, sau khi nhận lại tiền, bà Bích và các đối tượng không thực hiện việc thanh lý HĐ nguyên tắc của dự án Nhơn Thành như thỏa thuận và Công ty Kim Oanh không nhận được bất cứ phản hồi nào từ “đối tác này” dù đã nhiều lần liên hệ.
Theo trình bày của phía bị hại, thực chất, các HĐ nguyên tắc, cam kết bán lại, giấy xác nhận đặt cọc giữa bà Bích, Công ty Nhơn Thành, Công ty Kim Oanh là HĐ giả cách - thực chất là cho vay số tiền 150 tỷ đồng và Công ty Kim Oanh đã 4 lần trả lại dưới hình thức đặt cọc với tổng số tiền 55,5 tỷ đồng và phí môi giới 7,5 tỷ đồng (cho người do phía ông Trần Quí Thanh giới thiệu). Một chi tiết đáng chú ý là trong các lần họp bàn giữa ông Thanh, nhóm đối tác của ông với Công ty Kim Oanh, điện thoại của người tham dự đều bị ông Thanh ra lệnh thu giữ nhằm tránh ghi âm.
Theo Luật sư Nguyễn Tri Đức, sau khi thực hiện khởi tố vụ án, nếu có đủ căn cứ để xác định những người bị tố cáo đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với những cá nhân được cho là phạm tội. Ngoài ra, nếu đủ căn cứ để xác định các cá nhân phạm thêm các tội khác như đơn tố cáo (trốn thuế, tín dụng đen) thì cơ quan chức năng có quyền ra quyết định khởi tố bổ sung về các tội danh này. |