Không chỉ là chuyện cách chức

Ngày 10-9-2007, UBND TPHCM và Sở Y tế TPHCM đã quyết định xử lý kỷ luật những người có trách nhiệm trong vụ nước tương có chứa chất 3-MCPD quá mức quy định của Bộ Y tế, với hình thức khiển trách Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang và cách chức Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đức An.

Cả hai vị này đều có liên quan đến việc bưng bít thông tin các sản phẩm nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá mức cho phép. Được biết, vụ 3-MCPD đã được Sở Y tế TPHCM phát hiện từ năm 2005, và dù Thanh tra Bộ Y tế đã thúc giục nhiều lần, nhưng cơ quan này vẫn ém nhẹm thông tin. Cho mãi đến ngày 23-5-2007, thông tin này mới được công bố sau khi các cơ quan thông tấn báo chí lên tiếng.

Sự bưng bít thông tin của những người có trách nhiệm đã tạo điều kiện cho các sản phẩm thiếu an toàn này thoải mái lưu thông ngoài thị trường, dù nó là nguy cơ gây hại cho sức khỏe hàng vạn, hàng triệu người tiêu dùng với nguy cơ gây căn bệnh chết người: ung thư! Thực ra, so với những thiệt hại từ việc làm thiếu trách nhiệm này thì mức kỷ luật trên vẫn chưa phải là quá nghiêm khắc nếu không nói là còn tương đối nhẹ. Tuy nhiên nó cũng là bài học nhãn tiền cho các cơ quan chức năng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc công khai thông tin cho dư luận, nhất là việc công bố những thông tin có lợi cho người dân trên những cơ quan thông tin đại chúng.

Việc cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là những thông tin về những vấn đề nguy hại như vụ nước tương vừa qua không chỉ nằm trong khuôn khổ mối quan hệ giữa cơ quan chức năng và báo chí mà là nghĩa vụ và trách nhiệm mà cơ quan chức năng phải làm để phục vụ quyền lợi người dân. Dù vậy, lâu nay nhiều cơ quan chức năng luôn cho rằng việc cung cấp hay ém nhẹm thông tin là quyền của họ.

Mới đây thôi, cũng tại Sở Y tế, trong một cuộc họp triển khai Thông tư 10 về đấu thầu thuốc, khi thấy có một số báo cùng tham dự để đưa tin, vị trưởng phòng quản lý dược của Sở Y tế đã đứng lên trước cuộc họp tuyên bố: Nếu có các nhà báo, cuộc họp sẽ không thể triển khai được (!?). Thật lạ là Thông tư 10 không phải là tài liệu mật. Hoạt động tuyên truyền việc triển khai thông tư này là điều cần thiết vì Thông tư 10 được xem là mang nhiều giải pháp mới giúp tháo gỡ những vướng mắc cho đấu thầu thuốc theo quy định cũ, tránh nguy cơ thiếu thuốc tại các bệnh viện. Với tất cả lý do trên, báo chí hoàn toàn có thể tham dự để đem lại những thông tin tốt lành, giúp người dân an tâm. Vậy hà cớ gì vị trưởng phòng kia lại từ chối báo chí một cách vô cùng khiếm nhã như vậy?

Vấn đề không chỉ là chuyện cách chức hay khiển trách một vài vị cán bộ của ngành này hay ngành kia, mà là cần phải xóa bỏ thói quen bưng bít thông tin, vốn đã ăn sâu vào một số người có chức có quyền, làm tổn hại đến tinh thần và sức khỏe của nhân dân. Hy vọng từ sau vụ việc này sẽ không còn những cách hành xử tương tự với những chuyện ảnh hưởng đời sống và sức khỏe người dân như: kết quả kiểm tra chất lượng bánh Trung thu, kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ… 

GIA LINH

Tin cùng chuyên mục