Không có “rào cản” về đối tượng tinh giản biên chế

* PV:
Không có “rào cản” về đối tượng tinh giản biên chế

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Văn Làm:

Việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện công bằng, công khai và không giới hạn đối tượng. Chủ tịch quận huyện, giám đốc sở ngành, trưởng, phó phòng ban các sở ngành, quận huyện cũng thuộc diện tinh giản; thậm chí tiến sĩ, thạc sĩ nếu không làm được việc cũng sẽ bị tinh giản. Ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, đã khẳng định điều này trong buổi trao đổi với báo chí vào sáng hôm qua (11-11).

Ảnh: CAO THĂNG - Đồ họa: MAI THI

* PV: Theo lộ trình cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức vừa được Sở Nội vụ TPHCM đề xuất, từ nay đến 2021, thành phố sẽ tinh giản gần 14.000 người làm việc tại khối hành chính, khối sự nghiệp. Ông có thể nói rõ cơ sở pháp lý cho đợt tinh giản biên chế này?

Ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM

- Ông LÊ VĂN LÀM: Đợt tinh giản biên chế lần này được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết 39 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức và Nghị định 108 của Chính phủ mới ban hành về chính sách tinh giản biên chế, trong đó quy định rõ đối tượng diện tinh giản (Điều 6 Nghị định 108)... Theo đó, từ năm 2015 đến hết năm 2021 thành phố sẽ tinh giản 10% trong tổng số gần 140.000 biên chế, tức giảm gần 14.000 người và việc tinh giản chia đều ra từng năm.

* Lộ trình cụ thể triển khai đợt tinh giản này như thế nào, thưa ông?

- Bước đầu tiên là tuyên truyền cho cán bộ công chức nắm được nguyên tắc đánh giá tiêu chí cán bộ công chức; rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy xem có trùng lắp không để tổ chức lại cho phù hợp; bước này từng địa phương, sở ngành sẽ thực hiện. Riêng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước (sẽ tinh giản 1.300 người) sẽ được kiểm tra lại trình độ chuyên môn, xây dựng lại vị trí việc làm để trình Bộ Nội vụ xem xét. Thành phố sẽ có khung biên chế theo tiêu chí tinh giản là người có 2 năm liền kề không hoàn thành nhiệm vụ, trình độ đào tạo không phù hợp… Việc tinh giản biên chế lần này cũng nhằm mục đích rà soát lại bộ máy cơ quan nhà nước còn những trùng lắp ở chỗ nào để sắp xếp lại (ví dụ như cấp nước, thoát nước, chống ngập). Riêng khối đơn vị sự nghiệp, theo lộ trình hiện nay thì nhà nước không khuyến khích thành lập đơn vị mới (ngoại trừ nhu cầu bức thiết phải thành lập), chỉ ưu tiên cho giáo dục và y tế theo yêu cầu xây dựng thêm trường học và bệnh viện mới. Về chủ trương chung, việc tinh giản biên chế của TPHCM nhằm đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức, đơn vị những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không phù hợp với vị trí việc làm, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác. Thành phố cũng đã có cách tính toán cụ thể để việc tinh giản biên chế lần này không làm xáo trộn.

* Thưa ông, thực tế việc “đụng chạm” đến vấn đề con người không đơn giản. Trong quá trình thực hiện đề án tới đây, Sở Nội vụ có bị áp lực gì không, cũng như đã tiên liệu được hết những phức tạp, khó khăn phát sinh?

- Lâu nay mình thường hay nói, tinh giản biên chế thì bộ máy phình ra, con người đông lên. Thực tế đó là đúng chứ không sai. Nói gì nói, áp lực khi giải quyết cho một người nghỉ việc cũng khó. Nhưng với lộ trình đề án lần này được triển khai một cách bài bản, rõ ràng, căn cơ như vậy thì cơ quan chúng tôi tin tưởng rằng, từ nay đến 2021, tinh giản biên chế sẽ thực chất hơn, bộ máy càng ngày càng tinh gọn hơn, đội ngũ cán bộ công chức sẽ ngày càng mạnh hơn. Cũng có nhiều người nói, một bộ phận cán bộ công chức chưa nhiệt tình với công việc, chứ chưa nói đến tiêu cực nên theo chúng tôi, đợt tinh giản biên chế lần này là dịp để cán bộ công chức tự soi rọi lại mình, đối chiếu lại mình có xứng đáng ngồi vị trí đó không. Đối tượng cần tinh giản là công bằng, không có giới hạn, kể cả chủ tịch quận huyện, giám đốc sở ngành, trưởng phó phòng các sở ngành trở lên cũng thuộc diện tinh giản, không ngoại lệ, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ không làm được việc cũng sẽ bị tinh giản. Thời gian tới đây nhà nước sẽ định hình lại bộ máy để xác định việc nào nhà nước làm, việc nào xã hội làm tốt hơn thì để xã hội làm chứ cái gì nhà nước cũng “ôm” hết thì không bao giờ mạnh được.

* Ngân sách ước chi trả bao nhiêu cho đối tượng của đợt tinh giản biên chế lần này, thưa ông?

- Chưa thể ước lượng được số tiền ngân sách bỏ ra để chi trả cho đối tượng tinh giản biên chế vì nhiều đối tượng khác nhau. Như bản thân tôi đây, 39 năm công tác, nếu nghỉ sẽ có ít nhất 200 triệu đồng. Nhìn chung, chế độ chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế vừa ưu đãi, vừa tạo điều kiện cho đối tượng nghỉ có điều kiện tốt hơn như đào tạo lại, giới thiệu việc làm mới.

* Xin cảm ơn ông!

Mấy chục năm làm cán bộ quản lý nhà nước, tôi chưa gặp trường hợp sai phạm nào mà có thư tay hoặc gửi bênh vực cho con em mình của các vị lãnh đạo. Chúng tôi không có áp lực nào đối với vấn đề này. Cho nên, mừng là lãnh đạo mình ý thức được và tích cực dạy cho con em mình, nếu làm trong cơ quan nhà nước phải tích cực làm việc. Gặp trường hợp con em cán bộ lãnh đạo làm sai, chúng tôi cũng phải thực thi đúng trách nhiệm của mình. Chúng tôi nghĩ rằng, làm điều này không những người đứng đầu TP ủng hộ mà người dân cũng sẽ đồng tình với cách làm của chúng tôi

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM LÊ VĂN LÀM

VÂN ANH thực hiện

Tin cùng chuyên mục