
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Sáng 8-6, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã làm việc với các sở, ngành và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên địa bàn TPHCM về tình hình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Nhiều vấn đề được đặt ra: phương án phát triển của DN sau cổ phần hóa như thế nào; DN sắp xếp, tập trung vào ngành nghề chính ra sao; người lao động có ổn định việc làm, tăng thu nhập không… Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là quyền thuê đất, vị thế chiến lược đất đai sau cổ phần hóa, làm sao đừng để “cổ phần hóa” thành “tư nhân hóa”!
Tăng trưởng chỉ 10%
Quan tâm đến tình hình sau cổ phần hóa, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các đơn vị báo cáo về tình hình hoạt động của 11 DN đã cổ phần hóa trong năm qua. Trong đó, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đặc biệt quan tâm đến việc người lao động trong các DN sau cổ phần hóa có ổn định việc làm không. Đại diện Sở LĐTB-XH cho biết, 11 DN đã cổ phần hóa có hơn 11.500 lao động, sau cổ phần hóa chỉ giảm 80 người. Các quyền lợi cho người lao động được đảm bảo, việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động được thực hiện đầy đủ. Về tình hình kinh doanh, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính TP), cho biết: do thời gian quá ngắn nên chưa thể nhận định chính xác về hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu, tăng trưởng bình quân của các DN sau cổ phần hóa là 10% - đạt yêu cầu tối thiểu TP giao. Bà Trang đề xuất, tất cả các DN đã cổ phần hóa phải nhanh chóng đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định của Nhà nước, sự minh bạch hóa sẽ giúp cơ quan nhà nước và các cổ đông nắm sát hoạt động của DN.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân đề nghị, các sở, ngành phải rà soát lại các DN đã cổ phần hóa để giúp các DN hoạt động hiệu quả. Cổ phần hóa phải gắn với tái cơ cấu, sắp xếp lại DN và phát triển đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Theo đó, DN cổ phần hóa phải đảm bảo 3 yêu cầu: sắp xếp lại DN để đạt hiệu quả kinh doanh, tăng năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do vậy, dù sau cổ phần hóa, DN cũng phải bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh theo 4 ngành nghề chính mà TP đề ra. Đồng thời, công tác cổ phần hóa không được gây mất ổn định xã hội, phải đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Đấy là lý do TP cần đánh giá lại hoạt động cổ phần hóa để DN phát triển đúng hướng, đạt được mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả của nền kinh tế nói chung.

May áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty cổ phần Việt Hưng. Ảnh: CAO THĂNG
Nhà đầu tư chiến lược: phải đúng ngành!
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, trong công tác cổ phần hóa, nhiều DN có những vị trí đắc địa về đất đai, nếu không khảo sát, kiểm tra kỹ thì sẽ có nhiều “bàn tay lông lá” thu gom hết. Ngay cả Công ty Công viên Văn hóa Đầm Sen, nếu cổ phần hóa mà cho tư nhân nắm cổ phần lớn thì sau vài năm có nguy cơ bị… phân lô bán nền. Đầm Sen là sản phẩm của hàng chục ngàn công lao động xã hội chủ nghĩa trước đây nạo vét mới có được, nên đó là tài sản của xã hội. Do vậy, khi cổ phần hóa cho tư nhân phải tính toán. Đó là lý do đề án cổ phần hóa Đầm Sen đã trình nhưng lãnh đạo TP chưa ký, mà phải xem xét lại tỷ lệ sở hữu. “Một số doanh nghiệp cần thoái vốn, nhưng có một số đơn vị, công trình có ý nghĩa đối với TP thậm chí cần phải tăng vốn” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói.
Một vấn đề khác mà các lãnh đạo quan tâm là định hướng sau cổ phần hóa - tức làm sao để DN phát triển đúng hướng, đúng ngành nghề. Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm lưu ý, các công ty chọn cổ đông chiến lược phải là cổ đông có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh chứ không phải là người nhắm vào quyền sử dụng đất hay quyền thuê đất. Nếu không chọn lựa nhà đầu tư chiến lược kỹ thì không những không phát triển được sản xuất kinh doanh, mà có nguy cơ họ dùng đất cho thuê hoặc chuyển đổi mục đích khác. Đối với những DN có mặt bằng đẹp, nếu Nhà nước không nắm cổ phần chi phối có nghĩa là ta giao quyền quyết cho người ngoài. Do vậy, khi đánh giá tài sản cổ phần hóa là đất đai có vị trí chiến lược thì Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối.
Đồng ý với quan điểm này, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: công tác cổ phần hóa là giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Không để cổ phần hóa biến thành tư nhân hóa và phát triển “chệch” mục tiêu ban đầu. Do vậy, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân giao Sở KH-ĐT xem xét các đề án tái cơ cấu ngành nghề cho phù hợp với sự phát triển của TP. Đồng thời, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng chỉ đạo Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Ban Quản lý đổi mới doanh nghiệp phải rà soát lại hoạt động thoái vốn, rà soát lại các vị trí đất đai đắc địa, chiến lược để xác định rõ trước khi thoái vốn, cổ phần hóa.
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Nguyễn Hoàng Minh kiến nghị, đối với các công ty chậm tiến độ cổ phần hóa, các sở ngành cần phối hợp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân giao, đến ngày 15-6-2015 phải thành lập tổ chỉ đạo tập trung đôn đốc giúp DN hoàn thành cổ phần hóa đúng tiến độ vào cuối năm 2015.
HÀN NI