Không để xảy ra “việc đã rồi”

Chính quyền TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình không có giấy phép trong Khu nghỉ dưỡng cao cấp Cereja Hotel & Resort Đà Lạt (thuộc tiểu khu 266, phường 3, TP Đà Lạt). Trước khi cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế, công trình đang được gấp rút thi công giai đoạn cuối với diện tích sàn sử dụng 1.188m2.
Không để xảy ra “việc đã rồi”

 Từ khi triển khai xây dựng dự án Cereja Hotel & Resort Đà Lạt, chủ đầu tư đã nhiều lần chặt phá rừng thông, san gạt, đào bới trái phép đất lâm nghiệp và xây dựng tòa nhà nghỉ dưỡng không phép. Dự án tại khu vực hồ Tuyền Lâm có nhiều cơ quan giám sát như: UBND phường, UBND thành phố, Ban quản lý rừng Lâm Viên, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, Sở Xây dựng, Ban quản lý hồ Tuyền Lâm… Dư luận thắc mắc, giữa khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, với nhiều cơ quan quản lý nhà nước giám sát, nhưng vẫn để “con voi chui lọt lỗ kim”, chỉ khi công trình đồ sộ gần hoàn thiện mới có biện pháp can thiệp?


Rộng hơn, tại TP Đà Lạt hiện còn một danh sách dài những công trình xây dựng tầm cỡ phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng đang xếp hàng “chờ” cưỡng chế. Trong đó phải kể đến: Cầu dây văng đáy kính trong khu du lịch Thung lũng Tình yêu dài 325m, cùng hệ thống công trình phụ trợ (xây dựng không có giấy phép); công trình khách sạn số 1bis Hà Huy Tập (xây vượt tầng, sai phép hơn1.200m2); dự án Khu điều dưỡng, nghỉ và an dưỡng Hồng Đức (xây sai phép nhiều biệt thự tại hồ Tuyền Lâm); dự án của Công ty CP đầu tư du lịch Toàn Cầu… Người dân có lý do để nghi vấn về việc các công trình này tồn tại được đến nay phải chăng có sự tiếp sức, bỏ qua của một bộ phận người làm quản lý? Trong khi đó, nếu một gia đình có nhu cầu sửa nhà, hoặc xây dựng, chỉ cần đổ xe cát, đống gạch là đã có cán bộ đến kiểm tra, xử lý.

Những công trình vi phạm và chậm khắc phục vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại Đà Lạt thời gian qua đã thể hiện sự chây ì của các chủ đầu tư. Khi sai phạm bị phanh phui, xử lý thì chủ đầu tư tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian, thậm chí hợp thức hóa (nếu có) thành “tiền trảm hậu tấu”. Nhiều dự án không có giấy phép, chưa hoàn thiện giấy phép nhưng vẫn cố tình vi phạm vì biết mức phạt nhẹ chỉ 15 triệu đồng, 35 triệu đồng hay 40 triệu đồng/vụ. 

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng thông báo kết luận cuộc làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với Tổ công tác 1983 (tổ kiểm tra, xử lý sai phạm về đầu tư, xây dựng tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm), trong đó nêu rõ, đối với các hành vi sai phạm nghiêm trọng như không có giấy phép, lấn chiếm đất ngoài ranh giới dự án, yêu cầu khẩn trương tháo dỡ (kể cả công trình nhà đầu tư đề xuất tồn tại để phục vụ nhu cầu thiết yếu). Rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu chính quyền và thực hiện nghiêm các quy định trong đầu tư thì lợi ích của địa phương và nhà đầu tư sẽ được đảm bảo lâu dài, thay vì để xảy ra các sự việc đã rồi.

Tin cùng chuyên mục