Nhiều công trình nổi bật
Tại các xã, trị trấn ở huyện Nhà Bè đã ra mắt “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với nhiều nội dung. Trong đó, tại xã Phước Lộc tổ chức triển lãm hình ảnh về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người; xây dựng tủ sách và quét mã QR truy cập sách điện tử về Bác; đồng thời xây dựng phòng truyền thống - phòng thờ Bác Hồ…, nhằm bồi đắp tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân ở địa phương.
tại Tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh, TPHCM) . Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Ở quận 7, hiện toàn bộ 10 phường và các cơ quan, đơn vị đã xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ngay tại trụ sở. Đồng chí Huỳnh Tiểu Phụng, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 7, cho biết, quận đã tôn tạo Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Bình Thuận với nhiều hạng mục, bổ sung nhiều hiện vật có liên quan đến Bác. Đây sẽ là nơi để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhà tưởng niệm sẽ là nơi các trường học trên địa bàn học tập, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa cho các em học sinh.
Để thanh thiếu nhi đến gần hơn với Bác, Quận đoàn quận Phú Nhuận cũng xây dựng công trình “Không gian Bác Hồ với thiếu nhi”. Nơi đây được trưng bày, triển lãm về Bác Hồ với thiếu nhi cho đội viên, học sinh, thiếu nhi tham quan, sinh hoạt. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận đoàn Phú Nhuận Ngô Hải Yến, công trình được xây dựng với các hạng mục lớn như khu vực tái hiện về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ thông qua hệ thống tư liệu hình ảnh, tranh, infographic. Nơi đây còn trưng bày nhiều tư liệu hình ảnh thể hiện tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn viên, thanh niên, đội viên, thiếu nhi và tác phẩm sách, báo, truyện về Bác Hồ.
Lan tỏa đến cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp
Với mong muốn xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ trong chính quyền, cơ quan ban ngành mà lan tỏa trong từng khu phố, từng người dân trong cộng đồng dân cư, quận Bình Thạnh đã triển khai không gian văn hóa tại các phường, trường học, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Mong muốn đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến gần hơn với người dân, đến nay, quận Bình Thạnh đã ra mắt không gian ở các cơ sở tôn giáo tại phường 3, 5, 11, 12, 25 và các doanh nghiệp tại phường 13.
Cuối tuần vừa qua, bà Trần Thị Nga (63 tuổi, ngụ phường 5, quận Bình Thạnh) cùng cháu ngoại đi lễ Phật tại Tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh) nhân Đại lễ Phật đản. Sau khi thắp hương lễ Phật, 2 bà cháu đến thư viện tịnh xá, nơi có góc “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” để tham quan và đọc sách. Bà Nga không khỏi xúc động khi xem lại những hình ảnh, tư liệu về Bác được trưng bày nơi đây. “Nơi đây có nhiều sách về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, cả các tác phẩm Bác đã viết lúc sinh thời. Không gian lại được đặt trong thư viện, giúp chúng tôi dễ tiếp cận để hiểu hơn về vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc”, bà Nga bày tỏ.
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Tịnh xá Trung Tâm trưng bày nhiều tư liệu, sách quý về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây cũng có nhiều hình ảnh cuộc sống đời thường, trong công việc, với thiếu nhi, với người dân của Bác Hồ để người dân tìm hiểu, học tập. Thượng tọa Thích Minh Lộc, Phó Trụ trì Tịnh xá Trung Tâm, chia sẻ, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được đặt tại thư viện tịnh xá càng giúp tăng ni, bà con phật tử dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu, thấm nhuần lời dạy để học tập theo phong cách của Người.
Theo bà Võ Thị Phương Uyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh, quận có khoảng 180 cơ sở thờ tự. Dự kiến, năm 2022 quận sẽ thực hiện “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại khoảng 60 cơ sở tôn giáo, để góp phần đưa việc học tập Bác đến gần người dân hơn.
Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại trường đại học |