Không hỗ trợ cây trồng, vật nuôi đã thực hiện nhưng kém hiệu quả

UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu không đưa vào kế hoạch hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi thực hiện trong những năm qua nhưng kém hiệu quả.

Ngày 4-10, theo công văn số 6054/UBND-KT ngày 2-10, về việc phê duyệt các danh mục mô hình dự án nhân rộng giảm nghèo năm 2017, trong thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã kiểm tra thực tế và làm việc với một số xã các huyện miền núi, kết quả thực hiện mô hình phát triển chăn nuôi bò cái lai Zebu sinh sản, chăn nuôi dê lai sinh sản tại một số nơi chưa hiệu quả.

Không hỗ trợ cây trồng, vật nuôi đã thực hiện nhưng kém hiệu quả ảnh 1 Văn bản của UBND tỉnh Quảng Ngãi

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu không đưa vào kế hoạch hỗ trợ đối với các cây trồng, vật nuôi thực hiện trong những năm qua nhưng kém hiệu quả, tổ chức kiểm tra việc lựa chọn mô hình sản xuất phải sát với thực tế nhu cầu địa phương, đảm bảo hiệu quả để nhân rộng.

Qua tìm hiểu, tại huyện miền núi Sơn Tây, trong dự án 1, chương trình 30a tại một số xã như xã Sơn Bua được hỗ trợ giống cây lim xanh cho 54 hộ, kinh phí giải ngân 396 triệu đồng; xã Sơn Liên thực hiện hỗ trợ giống dê lai bách thảo cho 20 hộ, cây lim xanh cho 63 hộ, kinh phí giải ngân 501 triệu;… Ngoài ra, còn có các xã nằm trong đăng ký danh sách dự kiến thoát nghèo bền vững như xã Sơn Liên, Sơn Màu, Sơn Bua, Sơn Lập với tổng đăng ký hơn 70 hộ.

Không hỗ trợ cây trồng, vật nuôi đã thực hiện nhưng kém hiệu quả ảnh 2 Thói quen nuôi bò của người dân vẫn là thả rông

Tuy nhiên, qua kiểm tra giám sát hợp phần hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững chưa cao. Tỷ lệ cây giống hỗ trợ trồng bị chết rất cao, cây lim xanh tỷ lệ chết 30%, cây keo lai nuôi cây mô tỷ lệ chết 40%, giống dê lai bách thảo chết 30%...

Ông Đinh Công Lập, Phó phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây, cho biết, nguyên nhân hầu hết do nhận thức người dân còn hạn chế. Khi dê phát bệnh thì không giữ trong chuồng điều trị, người dân không làm chuồng cách sàn. Dê có sức đề kháng yếu, tỷ lệ chết cao do vậy huyện không tiếp tục hỗ trợ dê cho người dân.

Đối với bò Zebu điều kiện chăm sóc của người dân còn hạn chế, đòi hỏi thức ăn cao, không thể nuôi như bò ta, trong khi thói quen nuôi bò của người dân vẫn là thả rông, dẫn đến bệnh xảy ra, tỷ lệ chết cao.

Hiện tại, các mô hình giảm nghèo được chọn nhân rộng triển khai năm 2017 gồm trồng cây bơ xen cây ổi, chăn nuôi trâu đực, tưới nước phun mưa cho cây hành, tỏi, chăn nuôi bò cái lai sinh sản, chăn nuôi gà và nuôi cá Chình thương phẩm trong lồng.

Tin cùng chuyên mục