Không khuyến khích giữ vàng

Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ 25-5-2012 đến nay đã xuất hiện nhiều dư luận khác nhau về tính hiệu quả. Có ý kiến cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Vấn đề vàng móp méo và mới đây là việc phát hiện ra vàng miếng nhái vàng SJC cũng khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, người dân không hề bị thiệt hại mà còn có lợi khi thị trường vàng được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc quản lý thị trường vàng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho ổn định vĩ mô.
Không khuyến khích giữ vàng

Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ 25-5-2012 đến nay đã xuất hiện nhiều dư luận khác nhau về tính hiệu quả. Có ý kiến cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Vấn đề vàng móp méo và mới đây là việc phát hiện ra vàng miếng nhái vàng SJC cũng khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, người dân không hề bị thiệt hại mà còn có lợi khi thị trường vàng được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc quản lý thị trường vàng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho ổn định vĩ mô.

  • Tạo thanh khoản cho nền kinh tế

Theo đánh giá của NHNN, ước tính hiện số vàng trong dân còn khoảng 300-400 tấn. Với mức giá hiện nay, chỉ với 300 tấn vàng đã trị giá tới 15 tỷ USD. Nếu lượng vốn này được huy động, đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, thay vì tồn đọng dưới dạng cất giữ không mang lại ý nghĩa gì đối với nền kinh tế.

Trước đây, khi chưa có quy định về quản lý thị trường vàng, tình trạng xuất lậu, nhập lậu vàng diễn ra khá phức tạp. Chỉ cần lãi 400.000 đồng/lượng sau khi trừ chi phí là người ta đã có thể buôn lậu. Khi đó, ngoại tệ sẽ bị vơ vét để nhập lậu, gây ảnh hưởng tới tỷ giá, tới ổn định kinh tế vĩ mô (xuất nhập khẩu, lạm phát…). Ngoài ra, mỗi lần giá vàng tăng cao, NHNN phải cho nhập khẩu để bình ổn giá cũng gây tác động không nhỏ tới nguồn ngoại tệ trong nước.

Chính vì thế, mục tiêu đặt ra khi quản lý thị trường vàng là làm sao để vàng không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, không ảnh hưởng tới tỷ giá. Nghĩa là làm cho vàng kém hấp dẫn đi, không cho dùng vàng làm phương tiện thanh toán, để người dân bán vàng ra, lấy tiền đưa vào sản xuất kinh doanh. Trực tiếp hay gián tiếp đều phải phục vụ cho kinh tế đất nước.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 quy định rất cụ thể cho mọi lĩnh vực kinh doanh vàng và Nghị định 95 về xử lý hành chính trong kinh doanh vàng và ngoại tệ với chế tài xử phạt rất cao. Vì thế, theo đại diện NHNN, từ khoảng tháng 4-2012 trở lại đây hoạt động nhập lậu vàng đã bị chặn đứng, tình trạng “chảy máu ngoại tệ” theo vàng cũng không còn. Và dù giá vàng thế giới có lúc rẻ hơn giá vàng trong nước vài triệu đồng nhưng cũng không gây ảnh hưởng tới tỷ giá. Hiện NHNN vẫn đang mua ngoại tệ vào, riêng ngày 25-10 mua khoảng 100 triệu USD. Như vậy, tác động xấu từ thị trường vàng tới kinh tế vĩ mô đã được xử lý.

Người dân cần cẩn trọng khi chọn mua vàng. Ảnh: CAO THĂNG

Người dân cần cẩn trọng khi chọn mua vàng. Ảnh: CAO THĂNG

Với các giải pháp quản lý thị trường vàng và ngoại tệ, từ tháng 4 trở lại đây, hệ thống ngân hàng mua được từ trong dân cư trên 60 tấn vàng, trong khi NHNN đã mua vào trên 10 tỷ USD. Khi “hút” vàng và ngoại tệ về thì phải đưa VND ra, nghĩa là tạo ra thanh khoản cho nền kinh tế.

Theo số liệu của NHNN, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 19-10-2012 tăng 14%. Trong đó, huy động vốn bằng VND từ dân cư tăng 28,76%, huy động ngoại tệ từ dân cư giảm 5,53%... Điều này cũng có nghĩa là người dân đã chuyển đổi từ ngoại tệ và vàng sang VND để gửi ngân hàng, mục tiêu chính sách chống vàng hóa, đô la hóa đã đạt được. Ngoài ra, qua đó cũng giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt hơn, tạo điều kiện để giảm lãi suất.

  • Không bình ổn giá vàng

Theo NHNN, trước đây khi được phép huy động và cho vay vàng, đã khuyến khích người dân nắm giữ vàng bởi gửi vàng ở ngân hàng không những an toàn mà còn có lãi. Để chống vàng hóa và quản lý được thị trường vàng thì buộc phải chấm dứt việc cho phép huy động và cho vay vàng.

Thời gian qua nhiều tổ chức tín dụng đã phải gấp rút mua vàng để tất toán các khoản đã huy động từ dân cư. Chính vì thế, giá vàng trong nước có nhiều thời điểm tăng mạnh, cao hơn giá vàng thế giới tới 3 triệu đồng/lượng. Đại diện NHNN cho rằng, đây chính là lúc người dân có lợi nhất, nên bán vàng đi bởi nhà nước không khuyến khích giữ vàng, mua vàng. Do là mặt hàng không khuyến khích nên nếu mua vàng thì phải chấp nhận giá cao. NHNN khẳng định sẽ không bình ổn giá vàng như trước đây mà để tự vận hành theo cơ chế thị trường.

Theo quy định, đến ngày 25-11-2012, các ngân hàng phải ngừng hoàn toàn những nghiệp vụ liên quan tới vàng. Tuy nhiên, đến nay các ngân hàng vẫn đang thiếu khoảng 20 tấn vàng để tất toán cho người dân. Để bảo đảm thanh khoản hệ thống trong những tháng cuối năm, NHNN cho biết đang tính toán để gia hạn thêm thời gian cho các ngân hàng bù đắp số vàng còn thiếu, nhưng sẽ không dài mà chỉ tính bằng tháng.

Mua bán vàng tại tiệm vàng Mi Hồng Bình Thạnh. Ảnh: KIM NGÂN

Mua bán vàng tại tiệm vàng Mi Hồng Bình Thạnh. Ảnh: KIM NGÂN

Đối với hiện tượng vàng miếng bị cong vênh, móp méo hay vàng miếng nhái thương hiệu SJC, đại diện NHNN cho rằng chỉ chiếm số lượng không lớn, khoảng vài ngàn lượng. Nguyên nhân là do trước đây không có quy định quản lý thị trường vàng cũng như chất lượng vàng, trong khi nhiều người mua vàng cũng không hề quan tâm tới chất lượng (mua vàng là tài sản lớn nhưng không lấy hóa đơn, không ghi số series hay giấy chứng nhận chất lượng). Đây cũng là một trong những lý do Chính phủ ban hành các quy định về quản lý kinh doanh vàng cũng như chuẩn hóa chất lượng để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Đối với vàng miếng bị cong vênh, móp méo người dân có thể mang đi đổi, nếu là vàng bảo đảm chất lượng thì chỉ phải chịu phí dập lại (50.000 đồng/lượng), còn nếu vàng kém chất lượng thì phải chịu mất chi phí cao hơn. Đối với vàng nhái, làm giả, đại diện NHNN cho rằng đó thuộc về chức năng, trách nhiệm của các cơ quan pháp luật. Trách nhiệm của NHNN là chuẩn hóa chất lượng bằng việc đưa ra thêm các dấu hiệu chống giả của vàng SJC. 

BẢO MINH

Ngày 25-10, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC đã họp báo về việc thay đổi và sử dụng bao bì Hologram để chống giả cho vàng miếng SJC loại 5 chỉ, 1 chỉ và 5 phân. Theo ông Đỗ Công Chính, Tổng Giám đốc SJC, bao bì mới có in màng Hologram, trên đó có logo SJC xen kẽ đổi màu và không đổi màu theo góc độ quan sát; có dòng chữ “Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC” bao quanh logo SJC. Khi tách màng Hologram ra khỏi màng nền, màng Hologram sẽ bị rách hoặc thay đổi trạng thái không thể tái sử dụng. Mặt hộp có chữ SJC chìm ở giữa hộp. Từ tháng 9-2012 đến nay, SJC phối hợp với cơ quan chức năng đã phát hiện 463 lượng vàng nhái, vàng giả thương hiệu SJC. Trong đó, tại Hà Nội có 377 lượng và TPHCM có 86 lượng. Vàng bị làm giả chủ yếu là loại vàng 1 lượng.

N.NG. - TH.H.

Tin cùng chuyên mục