
Hầu hết sách giáo khoa (SGK) mới bán ở các nhà sách hiện nay đều được in và nộp lưu chiểu từ tháng 1-2008, thậm chí có cuốn ghi in và nộp từ tháng 6, 7-2007. Vì vậy, lý do tăng giá sách của NXB Giáo dục do giá giấy tăng dường như không thuyết phục. Chiều 9-5, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Kế Đức, Phó Giám đốc Công ty Sách thiết bị – Trường học TPHCM cũng tâm tư:
* Thật ra, tăng giá sách chỉ có cực chứ không có gì phấn khởi. Sách cũ bán giá cũ, sách mới bán giá mới. Sách cũ đóng bộ chung với sách mới có cuốn giá cũ, giá mới nên một bộ sách bán tới 2, 3 giá. Phụ huynh học sinh (PHHS) vào mua cùng một bộ sách nhưng giá chênh lệch nhau thế là dẫn đến sự so bì.
* Phóng viên: Vì sao có tình trạng một bộ sách lại có nhiều giá?

Giá sách giáo khoa tăng ảnh hưởng nhiều đến việc học của học sinh. Ảnh: DOANH DOANH
* Ông LÊ KẾ ĐỨC: Ở TPHCM, PHHS không thích mua lẻ từng cuốn mà đề nghị đóng bộ. Sách tồn kho vài ngàn cuốn phải đóng bộ, nếu còn vài trăm cuốn, ít quá mới đem ra bán lẻ. Nhưng sách tồn không đồng bộ, nên khi đóng thành bộ sẽ phát sinh một bộ sách có cuốn cũ, cuốn mới, giá khác nhau. Do vậy năm nay, một bộ SGK có đến mấy mã, ví dụ bộ SGK lớp 8 có đến 4, 5 mã hàng. Nhức đầu lắm, không quản lý nổi mã hàng! Mã hàng trong máy vi tính đâu phân biệt được cuốn nào cũ, mới.
* Tâm lý người bán thích tăng giá, còn trong trường hợp của công ty hiện nay…?
* Không ham tăng giá. Đối với người có tiền, SGK tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến họ nhưng người nghèo không có tiền phải mua lẻ sách. Giá sách tăng sẽ thêm gánh nặng cho người nghèo. Mà ngoài sách ra, người học còn phải mua biết bao nhiêu thứ. Sức mua SGK năm nay so với thời điểm năm ngoái giảm nhiều.
* NXB Giáo dục tổ chức họp báo công bố tăng giá sách từ cuối tháng 4. Nghĩa là kế hoạch tăng giá sách đã có từ trước?
* Tôi không rõ vấn đề này lắm. NXB thông báo tăng giá cho công ty từ cuối tháng 4, đưa sách về thì có giá mới kèm theo.
* Thưa ông, có bao nhiêu sách cũ đang tồn kho?
* Sách tồn kho cũ khoảng 300.000 bản. Nếu so với kế hoạch của năm 2008 phát hành 12 triệu bản sách mới thì số lượng sách tồn không đáng kể. Hầu hết sách bán là sách mới.
* Tức là hầu hết PHHS đều phải chịu giá sách cao?
* Hầu như là vậy.
* Theo phản ánh của Báo Người Lao Động, trong khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với NXB Giáo dục và Vụ Kế hoạch Tài chính để rà soát phương án tăng giá sách và quyết định có nên tăng hay không giá sách thì ngoài thị trường, giá sách đã tăng ào ào. Ông có khẳng định sách mới chỉ tăng 10%?
* Tôi khẳng định có sách tăng chưa đến 10%, có sách tăng hơn 10%, nhưng đổ đồng chung là 10%.
* Là đơn vị trực tiếp phát hành sách của NXB Giáo dục, công ty có kiểm soát được giá bán SGK ở thị trường, tình trạng tăng giá sách theo kiểu “té nước theo mưa”?
* Công ty không kiểm soát được cái đó. Người bán tăng giá là sai. Theo như tôi biết là ở TPHCM, hiện tượng bán tăng giá không có.
* Dựa vào đâu mà ông khẳng định chắc thế?
* PHHS TP đều biết mua giá sách đúng với giá bìa. Mặt khác, các đại lý bán đều có tỷ lệ chiết khấu. Năm nào tôi cũng nhờ báo chí thông tin khuyên PHHS sử dụng sách cũ. Tôi mới làm việc với sở, thống nhất với sở phương án vận động HS lớp lớn tặng sách cho HS lớp nhỏ. Công ty cũng sẽ đứng ra thu mua sách cũ với giá 25% – 30% theo giá bìa, công ty sẽ bán lại 35% - 40%. Ngoài việc thu mua sách cũ, các trường cũng nên phát huy hiệu quả tối đa của tủ sách dùng chung.
* Nhưng thiết kế SGK hiện nay yêu cầu HS làm bài tập ngay trong sách thì làm sao HS “kế thừa” sách của anh chị được?
* Đúng là cũng do quan điểm của tác giả sách muốn tiện lợi, HS không cần tốn tiền mua vở, mua tập mà có thể làm bài tập trong sách. Nhưng làm như vậy thì người sau không xài sách của người học trước. Ở một chừng mực nào đó có thể sử dụng được sách cũ không có làm bài tập trong sách. Nước Mỹ giàu vậy chứ rất nhiều HS sử dụng sách trong thư viện của trường. Nội dung sách cũ và sách mới không có sự khác biệt nên đừng phân biệt cuốn sách mới, sách cũ mà tốn tiền vô lý.
* Xin cảm ơn ông.
HỒNG LIÊN (thực hiện)