1. Vài năm trở lại đây, lễ hội Halloween, một trong những lễ hội văn hóa dân gian xuất phát từ các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, đã được tổ chức rầm rộ tại nhiều trường học ở Việt Nam. Song, nếu như ở các bậc học THCS, THPT, lễ hội này gắn liền với những hình ảnh học sinh hóa trang thành ma quỷ, xác ướp máu me rùng rợn thì ở các trường mầm non, Halloween trở thành ngày hội của những siêu nhân, người nhện, người dơi, phù thủy, bí ngô, công chúa... Có mặt tại ngày hội Halloween do một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn TPHCM tổ chức, người viết thật sự choáng ngợp trước những bộ quần áo hóa trang thành các nhân vật phim hoạt hình được lứa tuổi thiếu nhi yêu thích. Những chiếc mặt nạ, đũa thần, chổi thần, phù thủy được tận dụng từ vỏ chai nước, bìa giấy carton, giấy bóng kính rực rỡ sắc màu khiến sân trường như khoác thêm tấm áo mới, ngập tràn không khí lễ hội. Tuy nhiên, khi được hỏi về ý nghĩa ngày hội, rất nhiều học sinh chỉ ấp úng trả lời “Halloween là lễ hội... bí ngô” (do sân trường được trang trí rất nhiều bí ngô - PV). Các em được ca hát, nhảy múa, tham gia nhiều trò chơi với phần thưởng là những túi kẹo xinh xắn nhưng hoàn toàn không biết ý nghĩa của lễ hội mình vừa tham gia.
Hóa trang thành các nhân vật hoạt hình yêu thích trong ngày lễ hội Halloween
2. Năm học 2016-2017 đã khai giảng hơn hai tháng, cũng là lúc các phong trào kế hoạch nhỏ bước vào giai đoạn thu gom sôi động ở các trường tiểu học. Có nơi quy định học sinh chỉ nộp tập, sách, giấy báo cũ. Có đơn vị yêu cầu các em phải sưu tầm vỏ chai nhựa, hộp sữa, lon bia, bìa carton đã qua sử dụng. Song dù đóng góp theo hình thức nào, từng khối lớp cũng được quy định mức đóng tối thiểu phù hợp từng độ tuổi. Chị Thanh Thảo, phụ huynh có hai con đang học một trường tiểu học trên địa bàn quận 5, cho biết con gái lớn học lớp 4 được cô giáo yêu cầu nộp 3kg giấy báo cũ, trong khi em trai nhỏ đang học lớp 1 được yêu cầu nộp 2kg. Gộp chung lại, chị phải chuẩn bị tất cả 5kg giấy cho hai con đem vào trường nộp. Người mẹ phải cẩn thận chia giấy thành hai chồng riêng biệt, phía trên ghi rõ họ tên từng đứa để không nộp lộn chồng có trọng lượng lớn hơn cho đứa nhỏ và ngược lại. Nhiều phụ huynh khác cũng cho biết, mỗi lần nhà trường phát động phong trào kế hoạch nhỏ, mấy đứa nhỏ về nhà chỉ truyền đạt lại nguyên văn yêu cầu của cô giáo “Ngày x, y, z là hạn chót nộp 2kg giấy”. Nhưng vì sao trường yêu cầu nộp giấy, học sinh phải tìm giấy từ những nguồn nào, giấy sau khi thu gom sẽ được dùng vào việc gì thì không phải em nào cũng hiểu rõ.
3.Hai câu chuyện ở hai bậc học nhưng đều giống nhau ở chỗ giáo dục trong trường học hiện nay đang đi theo lối mòn hình thức. Học sinh được yêu cầu làm việc này, việc nọ nhằm lấy thành tích hoạt động cho nhà trường, trong khi mục tiêu sâu xa là giúp các em hiểu rõ tinh thần tương thân tương ái, biết sử dụng tiết kiệm, hiệu quả những đồ vật đã qua sử dụng hay ý nghĩa của những lễ hội văn hóa, tôn giáo hoàn toàn bị bỏ lửng. Như lời tâm sự của một hiệu trưởng trường tiểu học, hiện nay đang có tình trạng các trường “nhìn nhau” trong việc tổ chức phong trào, hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Trong khi cái có thể nhìn thấy ngay là những con số thành tích có thể “cân đong đo đếm” thì hiệu quả giáo dục về lâu dài không phải lúc nào cũng thể hiện rõ...
Thanh Thu