Không quên người già yếu

Những ngày cận tết, dù bận rộn, nhiều người vẫn không quên đến thăm các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa, bị bại liệt đang sống ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM). Đón khách đến thăm, các cụ rất vui như đón người thân xa vắng lâu ngày gặp lại.
Đoàn công tác của Báo SGGP đến từng giường lì xì mừng tuổi các cụ ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc
Đoàn công tác của Báo SGGP đến từng giường lì xì mừng tuổi các cụ ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc

Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc được xây dựng khang trang trên diện tích khoảng 12.000m2. Lối đi sạch đẹp, phòng ở thoáng mát. Đầu các phòng đều được trang bị máy xông, tỏa mùi hương dễ chịu.

Trung tâm đang nuôi dưỡng 284 cụ ông, cụ bà, trong đó có 84 người bị bại não. Chứng bệnh nan y khiến nhiều người lúc nào cũng lơ ngơ, nụ cười gượng gạo, phát âm khó khăn. Tuổi cao, sức yếu, các cụ không có con cháu, họ hàng để nương tựa, được đưa về trung tâm nuôi dưỡng. Phần đông các cụ đều bị bệnh bại liệt, teo cơ, không thể đi đứng bình thường. Đã khó càng thêm khó.

Khi đoàn công tác của Báo SGGP đến thăm, đã thấy có đoàn học sinh của Trường THCS Văn Thân (quận 6) cũng đang có mặt tặng quà tết cho các cụ. Các học sinh chia nhau đến từng phòng, ân cần thăm hỏi và kính cẩn tặng quà. Vừa bước ra khỏi phòng số 3, khu liệt nam, cháu Nguyễn Trần Thảo My, học lớp 6 Trường Văn Thân, ngồi sụp xuống ghế khóc nấc làm nhiều bạn khác cũng xúc động khóc theo.

Cháu Thảo My nghẹn ngào nói: “Gặp các cụ, con bỗng nhớ đến ông nội của con. Các cụ ôm con và khóc. Con thương các cụ quá. Con mong nhà trường sẽ tổ chức nhiều đợt đến thăm nơi đây để các cụ vui”.

Ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc trung tâm, tâm sự: “Đón các cụ vào đây, chúng tôi có trách nhiệm chăm sóc suốt đời. Khi các cụ bị bệnh nặng nằm viện, chúng tôi cắt cử cán bộ luân phiên trực cả ngày bên các cụ. Nhờ thực hiện liệu pháp tích cực, phương pháp tập luyện hiệu quả, năm qua chúng tôi đã giúp cho hơn 10 cụ đi lại được.

Sống trong môi trường thân thiện như gia đình, tuổi đời của các cụ được nâng lên. Khu liệt nam có gần 50 cụ hơn 60 tuổi; khu liệt nữ còn có 2 cụ bà trên 100 tuổi. Khi hữu sự, chúng tôi tổ chức khâm liệm trang trọng. Trung tâm cũng đã xây dựng được nhà lưu cốt để các cụ an nghỉ”.

Tại phòng số 7, khu liệt nữ, cô nhân viên Phạm Thị Thanh Thảo đang lau mặt cho từng cụ, cho biết: “Quê tôi ở Nghệ An, làm việc ở đây đã được 10 năm. Vợ chồng tôi thuê nhà ở gần trung tâm để thuận tiện đi làm. Tết năm nay, tôi ở lại để chăm sóc các cụ. Ngần ấy năm làm việc ở trung tâm, tôi thương yêu các cụ như cha mẹ của mình”.

Trong niềm vui nhận quà tết, cụ bà Nguyễn Thị Sáu, đã 101 tuổi vui vẻ cười nói với mọi người. Dường như các cụ cũng cảm thấy được sự chân thành chia sẻ, không bị bỏ quên khi cả nước đang hân hoan đón xuân mới.

Cụ Trần Văn Minh kể rằng: “Tôi vào trung tâm này gần 20 năm rồi. Cha mẹ mất sớm, không họ hàng, tôi làm phụ hồ, rồi thuê nhà ở khu nhà ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Trần Quang Khải. Khi khu nhà bị giải tỏa, tôi được đưa về đây chăm lo. Do còn đi lại được, nên tôi phụ việc ở nhà tang lễ và giặt đồ của các cụ. Ở đây, tôi thấy an vui vì được sống như trong gia đình. Xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người”.

Tin cùng chuyên mục