Không yêu đừng nói lời cay đắng

1. Chẳng còn nhớ câu nói có màu sắc ngôn tình này bắt đầu từ hoàn cảnh nào, nhưng trong những ngày này, khi hình ảnh anh bộ đội “về phường giúp dân” được đưa lên những trang mạng xã hội với ý bông đùa, thì ý nghĩa câu nói ngậm ngùi ấy lại trở lại.
Bộ đội bốc dỡ gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng đến các phường tại quận 6, sáng 28-8. Ảnh: CAO THĂNG
Bộ đội bốc dỡ gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng đến các phường tại quận 6, sáng 28-8. Ảnh: CAO THĂNG

Đó là, anh bộ đội phát âm l, n lẫn lộn, nói năng cụt lủn với dân trong những mẩu chuyện hài hước mà ai đó nhanh tay chế ra; là sự bôi bác, so sánh hình thể khập khiễng những hình ảnh anh bộ đội trong phim ảnh và ngoài đời; là những lời nghi kỵ chuyện giúp dân để xây dựng hình ảnh… Nhiều người vẫn lan tỏa những “virus tinh thần”, nghi ngại cả chính những người đang lao vào vòng hiểm nguy để giúp mình.

Có ba chú bộ đội quân y trẻ, một bác sĩ và hai y tá, về chung cư tôi sáng qua. Chung cư tôi ở nằm trong “vùng đỏ” dịch Covid-19. Ban quản lý dành một căn hộ trống để họ nghỉ lại sau những giờ chạy đôn chạy đáo hỗ trợ F0 trong khu vực. Một căn hộ trống đúng nghĩa, bởi không giường, không tủ, tivi, máy lạnh… Người dân chung cư âm thầm nhắn nhau trên group mượn từng cái nồi, cái chảo, bát đũa, từng cái quạt, góp từng gói mì, vỉ trứng cho bộ đội mượn dùng. Anh Thăng, hàng xóm tôi, nói: “Mấy anh bộ đội hiền dễ sợ, dân đưa trứng, mấy anh ấy chỉ xin nhận vừa đủ tiêu chuẩn mỗi tô mì một quả trứng, không hơn”. Mọi người bật cười nhưng lòng rưng rưng thương.  

Chú dượng tôi là bác sĩ quân y, chiều nay cũng lên đường vào TPHCM. Hậu phương của chú, hẳn rồi, là cô vợ trẻ và hai cô con gái tuổi lên 5, lên 7. Những chú bộ đội trẻ hơn, sau lưng họ là mẹ, là cha, những người ấy chắc hẳn cũng nóng ruột dõi theo người thân, từng ngày hướng về thành phố đang căng mình chống dịch. 

2. Hôm kia, trên Facebook một chị bạn tôi, thể hiện sự e ngại về việc đi trao quà từ thiện nhưng chụp ảnh lại. Chị bạn tôi là người nhiệt tình với việc từ thiện, sự đa cảm khiến chị không thể chụp ảnh người nhận vì quá xót xa hoàn cảnh họ và vì cảm thấy đã cho đi thì không cần ghi lại.

Những ngày đầu kết nối đưa những món quà đến người dân, công nhân nghèo nơi tôi ở, tôi cũng chung suy nghĩ với chị. Tôi hầu như không chụp ảnh được, cũng không yêu cầu ai chụp giúp. Nhưng rồi, việc những nhóm thiện nguyện mong muốn có hình ảnh để lan tỏa nhiều hơn sự sẻ chia, để báo cáo về công tác thu - chi, bản thân những người trao quà cũng mong muốn minh bạch công việc của mình khiến những bạn tình nguyện viên đi trao quà phải chụp ảnh lưu lại. Tôi tin đa số họ ghi lại hình ảnh vì lý do này. Nếu như ai đó cần hình ảnh để đánh bóng tên tuổi, thì chắc chắn đó là số rất ít trong những đội nhóm thiện nguyện đã và đang sẻ chia với người khó khăn trong thời gian này.

Vậy nhưng, đọc lướt những bình luận trên mạng xã hội về vấn đề này, không khỏi khiến những người đi trao quà ngậm ngùi. Dĩ nhiên tôi chẳng bận tâm nhiều câu nói không đúng về việc mình đang làm, nhưng cũng không thể không buồn vì những câu ấy khiến không ít bạn bè làm tình nguyện xung quanh tôi buồn lòng.

Bạn biết không, khi bạn có thể thong dong “ai ở đâu thì ở đó”, lựa chọn cho mình bộ phim hay để xem, cuốn sách thú vị để đọc thì vẫn có nhiều người phải dấn thân vào nơi nguy hiểm. Vì trách nhiệm và tình yêu thương với đồng bào, những người tuyến đầu vẫn chọn một lối đi duy nhất từ trái tim, đầy nguy hiểm giữa muôn trùng virus...

Vì thế, không yêu đừng nói lời cay đắng.

Tin cùng chuyên mục