Khu Công nghệ cao TPHCM cần cơ chế đặc biệt

Chiều 29-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đoàn Ban Chỉ đạo Chương trình giám sát Trung ương đã có buổi làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), xung quanh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học - công nghệ và Luật Khoa học - Công nghệ.
Khu Công nghệ cao TPHCM cần cơ chế đặc biệt

(SGGP).- Chiều 29-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đoàn Ban Chỉ đạo Chương trình giám sát Trung ương đã có buổi làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), xung quanh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học - công nghệ và Luật Khoa học - Công nghệ.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tham quan thực tế Công ty United Healthcare tại SHTP

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, đến nay SHTP đã thu hút 77 dự án với hơn 4,4 tỷ USD, vượt qua mốc khởi nghiệp với các chỉ tiêu đạt khá tốt như đến năm 2014 đạt doanh số 3,25 tỷ USD. SHTP đã thu hút được các tập đoàn, công ty công nghệ lớn như Intel, Nidec, Sonion, Sanofi và mới đây là Samsung đầu tư sản xuất; tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của khu đạt khoảng 80%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố là 12%. Giai đoạn 2008 - 2010, SHTP đã đầu tư 12 triệu USD xây dựng các phòng thí nghiệm vi mạch - bán dẫn, vật liệu nano, và sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng trong năm 2015 phục vụ chương trình phát triển vi mạch của thành phố. Công tác phát triển nguồn nhân lực cũng được SHTP chú trọng thông qua thỏa thuận hợp tác đào tạo với Đại học Quốc gia TPHCM và hợp tác với các đại học trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, ông Lê Hoài Quốc cũng cho rằng hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước liên tục thay đổi khiến việc thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp trong khu gặp nhiều khó khăn. Theo Luật Đầu tư mới và Luật Doanh nghiệp mới, mỗi doanh nghiệp muốn đầu tư vào SHTP phải có hai giấy phép. Trong đó, SHTP chỉ được phép cấp giấy phép đầu tư, còn giấy phép kinh doanh phải do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp. Tương tự, cũng theo Luật Bảo vệ môi trường 2015, Ban quản lý SHTP chưa được ủy quyền cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường, mà giao phần việc này cho Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Việc không còn thực hiện theo cơ chế một cửa như trước đây (tất cả giấy phép do SHTP cấp) khiến doanh nghiệp phải “xin” nhiều nơi, nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, công sức.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá TPHCM là địa phương có nhiều kinh nghiệm nhất trong phát triển công nghệ cao; những kết quả bước đầu vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, những khó khăn của SHTP thời gian qua cho thấy SHTP cần một cơ chế đặc biệt. Trong đó, việc xây dựng lại cơ chế một cửa là giải pháp hỗ trợ tốt các doanh nghiệp. Cùng với lãnh đạo TPHCM, Ban Chỉ đạo Chương trình giám sát Trung ương ghi nhận và sẽ kiến nghị với Chính phủ có những chính sách phù hợp.
Trước buổi làm việc, đoàn giám sát đã đi thực tế tại Công ty NanoGen và Công ty United Healthcare, trực tiếp lắng nghe các thành quả và khó khăn của các doanh nghiệp này.


TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục