
(SGGP-12G).- Đã 6 năm nay, kể từ khi có KCN Bắc Thăng Long, người dân thôn Đại Độ (xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) phải sống chung với ô nhiễm môi trường.
Nguy cơ… làng ung thư mới
Chị Nguyễn Thị Sáu (thôn Đại Độ) chưa nguôi nỗi đau buồn khi nhìn vào di ảnh của con gái. Căn bệnh ung thư phổi đã cướp đi sinh mạng đứa con gái chị khi vừa bước sang tuổi 22. Nhìn lên di ảnh của con gái, chị nghẹn ngào: “Từ khi có nhà máy, gia đình luôn phải sống chung với cảnh ô nhiễm, đặc biệt là những đợt khói khét, hôi thối vào lúc 20g đến 23g mỗi ngày”.

Nguồn nước nhiều năm bị ô nhiễm nằm sát nhà dân
Gia đình chị L. T. Minh cũng không kém phần đau buồn. Chỗ dựa duy nhất là người chồng nhưng anh Nguyễn Văn Lập đổ bệnh và ra đi ở tuổi 39 với căn bệnh ung thư dạ dày. Điều đáng nói, do sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm nhiều nên phát sinh bệnh. Bữa cơm, manh áo của mấy đứa con của gia đình này giờ chỉ biết trông chờ vào chị Minh.
Trong danh sách khai tử của Trạm Y tế xã Võng La, còn có rất nhiều cái tên như Nguyễn Văn Q. 45 tuổi, L. T. Huấn 50 tuổi… Họ đều chết bởi căn bệnh ung thư quái ác. Những trường hợp này, khi đi xét nghiệm đều không ngoài nguyên nhân là tác động ngoại cảnh, như sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều chất độc hại mà phát sinh bệnh.
Theo nhiều người dân sở tại, thì tình trạng ung thư chỉ bùng phát từ khi KCN đóng trên địa bàn. Từ năm 2007 tới nay, thôn Đại Độ có tới 14 người bị ung thư, khoảng 30 người đang có những biểu hiện của ung thư. Đa số người dân trong thôn đều chết sớm, người thấp thì 22 và cao nhất khi chưa qua tuổi 60.
Không chỉ ở thôn Đai Độ mà Sáp Mai, Võng La cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều gia đình nơi đây phải bán hết đất, tài sản, vay mượn ngân hàng để chữa chạy cho người thân. Chị L. T. Minh tâm sự: “Tiền đền bù vì hiến đất cho KCN, rồi tiền cho thuê nhà trọ, làm dịch vụ cũng chẳng thấm vào đâu… Công nghiệp vào giúp cuộc sống khá hơn nhưng mất mát, đau thương, bệnh tật rình rập cũng nhiều hơn”.
Không ai xử lý
Ông Nguyễn Văn Tư, cán bộ xã Võng La cho biết, những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa to nước không thoát được, ngập đường làng, ngõ xóm, mọi chất bẩn do người dân sinh hoạt, gia súc, gia cầm thải ra hòa vào nhau lềnh bềnh trên đường. |
Võng La đã không bình yên kể từ năm 2003, khi các nhà máy công nghiệp ồ ạt đặt trên đất của xã. Tình trạng ô nhiễm nơi đây cũng bắt đầu từ đó, khi các nhà máy đi vào xây dựng đã ngang nhiên nâng mặt nền cao hơn so với mặt bằng đô thị khiến nước thoát của người nhân dân sở tại ra kênh Việt Thắng… không thể chạy đi đâu.
Tình trạng ứ đọng nguồn nước thải dẫn tới ô nhiễm môi trường nặng nề. Không những thế, nhiều công trình thủy lợi còn bị phá hủy, nhiều đoạn kênh mương bị lấp kín bởi đất, đá… kéo theo 20/40ha đất nông nghiệp còn lại không thể sản xuất hơn 3 năm nay.
Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, nguồn nước nơi đây bị nhiễm hóa chất độc hại đã gây nên các loại bệnh ung thư. Điều đáng nói, dù người dân đã nhiều kiến nghị lần bằng văn bản, rồi trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri… đề nghị huyện Đông Anh kiểm tra, xử lý vấn đề úng ngập, ô nhiễm môi trường ở nơi đây nhưng mọi thắc mắc của người dân vẫn không được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Không biết đến bao giờ, quyền lợi chính đáng của người dân mới được quan tâm?!.
Thành Vinh