Gọi điện thoại đến đường dây nóng, rồi trực tiếp đến trụ sở Báo SGGP, hàng chục xã viên Hợp tác xã (HTX) Vận tải - Dịch vụ Đông Nam đã bức xúc phản ánh về những việc làm khuất tất, ảnh hưởng đến quyền lợi của xã viên.
Các xã viên HTX Đông Nam phản ánh những khuất tất trong việc lên đời xe với phóng viên Báo SGGP Ảnh: THANH HẢI
Bán xe đời cũ, hỗ trợ nhập nhằng
Thực hiện chủ trương đổi mới xe buýt, tháng 4-2016, HTX Vận tải - Dịch vụ Đông Nam (gọi tắt là HTX Đông Nam) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Ô tô Giang Nam (gọi tắt là Công ty Giang Nam) đặt mua 12 ô tô khách hiệu Bahai nhằm phục vụ vận chuyển hành khách tuyến 51 (Bến xe miền Đông - Bình Hưng Hòa), với tổng giá trị hợp đồng 15,2 tỷ đồng. Một xã viên có xe chạy tuyến này cho biết: “Sau khi nhận xe, HTX tổ chức khai trương tuyến xe buýt mới với chi phí lên đến 112 triệu đồng và bắt xã viên phải gánh khoản tiền này. Nhưng vậy cũng chưa sốc bằng chuyện đời xe. Bởi lẽ, sau khi làm các thủ tục mua bảo hiểm, mọi người mới té ngửa khi hay xe thiếu tuổi - xe mới vừa mua nhưng đời xe là năm 2014. Hạn lưu hành bị mất 2 năm”.
Hỏi vì sao không xem kỹ hợp đồng, chị Huỳnh Thị Kim Duyên (quản lý xe 51B-206.06) cho biết: “Ban đầu không xã viên nào nhìn được bản hợp đồng ký kết giữa đại diện HTX và nhà cung cấp xe. Cuối cùng có xã viên đã truy tìm được bản hợp đồng photocopy, mới hay hóa ra trong hợp đồng chỉ ghi “xe mới 100%”, không hề ghi cụ thể đời xe năm nào”.
Sau nhiều lần bị xã viên phản ứng, ông Võ Hồng Sơn, Giám đốc HTX Đông Nam, mới tổ chức cuộc họp với sự tham dự của các xã viên và ông Phạm Văn Minh Huân, Giám đốc Công ty Giang Nam. Theo các xã viên cho biết, tại cuộc họp này, các xã viên yêu cầu phía Công ty Giang Nam hỗ trợ bồi thường do thiếu 2 năm tuổi xe là 120 triệu đồng/xe (căn cứ vào tiền mua xe và niên hạn sử dụng). Nhưng phía Công ty Giang Nam nói: “Chỉ hỗ trợ 60 triệu đồng/xe, còn không chịu thì cứ đi thưa!”. Do vậy cuộc họp kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, lãnh đạo HTX Đông Nam đã thuyết phục từng người rằng “xe đã lăn bánh, hỗ trợ bồi thường như vậy là được”, nên có 9 người đồng ý nhận hỗ trợ bồi thường 60 triệu đồng/xe và ký tên nhận tiền. Từ đây, một “biên bản thỏa thuận” đã được hợp thức hóa cho cuộc họp bất thành trước đây, trong đó xã viên phải ghi “cam kết không khiếu nại, thắc mắc về đời xe”. Chị nhân viên bán vé Tạ Thị Ngọc Hoa cùng chồng là tài xế Đinh Văn Phước có xe chạy tuyến này, than: “Giấy tờ nhà đã cắm cho người ta để lấy tiền đặt cọc mua xe, thấy tiền thì ký đại để còn trả nợ, đâu biết họ hỗ trợ bồi thường rẻ bèo như vậy”. Còn chị Nguyễn Thị Thu Vân, chủ xe 51B-207.62, cho biết: “Tôi không ký nhận tiền hỗ trợ bồi thường, vì như vậy không thỏa đáng”.
Ngày 10-10, trao đổi với chúng tôi và trả lời vì sao xã viên “không biết gì về hợp đồng dù họ là người bỏ tiền ra mua xe”, ông Sơn cho biết “đây là sơ suất” (?!).
Vì sao cứ “yêu” Bahai?
Trong khi việc hỗ trợ cho xã viên tuyến 51 “mua nhầm” xe thiếu tuổi chưa ngã ngũ, nhiều xã viên tuyến 40 (Bến xe miền Đông - Ngã tư Ga) lại tiếp tục có đơn thư phản ánh về việc bị lãnh đạo HTX ép mua xe Bahai. Cụ thể, từ tháng 6-2016, các xã viên chạy xe tuyến này đã được HTX thông báo chuẩn bị chuyển đổi từ xe 12 chỗ lên 40 chỗ, các xã viên phải đặt cọc 20 triệu đồng/người để thực hiện việc “lên đời” vào tháng 9-2016. “Lên đời” chưa thấy nhưng “lên ruột” thì nhãn tiền! Ngày 19-8, các xã viên đã họp và thống nhất chọn mua xe của Samco, thế nhưng ngày 23-8-2016, Giám đốc HTX đã làm tờ trình gửi Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, báo cáo HTX đề xuất 2 loại xe là Samco và Bahai! Biết được việc này, nhiều xã viên đã phản ánh đến lãnh đạo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng và đề nghị hỗ trợ giải quyết. Ngày 11-9, HTX tổ chức cuộc họp lấy ý kiến và đa số xã viên vẫn khẳng định muốn mua xe Samco, từ chối đề nghị chào hàng của Bahai. Trước đó, đại diện Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM đã họp với HTX và xã viên, yêu cầu khẩn trương đổi mới đầu xe trong tháng 10-2016, nếu không đổi xe thì trung tâm sẽ thu hồi lại luồng tuyến để giao cho đơn vị khác quản lý.
Trả lời câu hỏi vì sao kéo dài thời gian lên đời xe của tuyến 40, ông Sơn, Giám đốc HTX, trưng ra nhiều văn bản một số xã viên ủy quyền về tài chuyến cho người khác và ông đặt câu hỏi: “Rối như vậy thì làm sao lên đời xe được? Trong các ủy quyền này, ai là người quyết định chọn đời xe?”. Ngoài ra, ông còn cung cấp thêm 2 văn bản ký ngày 27-9 gửi UBND quận 2 và Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM trình bày tình hình trên để “tránh khiếu kiện” trước khi lên đời xe. Tuy nhiên, ông Sơn… quên một điều: Trong các giấy ủy quyền, ông đều có chứng thực, đóng dấu và ghi rõ “Người được ủy quyền có trách nhiệm và nghĩa vụ kể từ ngày được ủy quyền”. Nhiều xã viên cho rằng việc HTX gửi văn bản trên chỉ nhằm kéo dài thời gian chuyển đổi đời xe và đối phó với yêu cầu của xã viên.
Câu hỏi được nhiều xã viên đặt ra: Người mua xe thiếu tuổi vì cú gài “mới 100%” nhưng tại sao bồi thường không thỏa đáng. Người muốn mua xe Samco thì cứ bị lượn lờ với Bahai.
THƯ LÊ