Khủng bố đẩy Pháp lại gần Nga?

Tờ Le Figaro dẫn một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Pháp cho biết cùng lúc với việc ủng hộ kế hoạch thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya do Liên hiệp quốc bảo trợ, Paris đang chuẩn bị các kế hoạch cho một cuộc can thiệp bằng quân sự và nỗ lực xây dựng một liên minh quốc tế. Theo báo trên, chiến dịch sẽ đuợc thực hiện trong vòng 6 tháng tới.

Tờ Le Figaro dẫn một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Pháp cho biết cùng lúc với việc ủng hộ kế hoạch thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya do Liên hiệp quốc bảo trợ, Paris đang chuẩn bị các kế hoạch cho một cuộc can thiệp bằng quân sự và nỗ lực xây dựng một liên minh quốc tế. Theo báo trên, chiến dịch sẽ đuợc thực hiện trong vòng 6 tháng tới.

Quyết định của Pháp được đưa ra sau khi các đợt trinh sát bằng không quân kết thúc vào tháng 11-2015 cho thấy, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bành trướng tại khu vực cách châu Âu vài trăm kilômét (tính theo đường biển). Theo uớc tính, khoảng 3.000 tay súng đã gia nhập hàng ngũ của IS. Cách thành phố Tripoli khoảng 250km về phía Nam là nhiều trại huấn luyện do IS tổ chức. Tổ chức khủng bố này cũng đang kiểm soát Sirte, một thành phố lớn nằm bên bờ Địa Trung Hải của Libya.

Trước những chuyển động đầy nguy hiểm của IS, Pháp sẽ kêu gọi các nuớc châu Âu tham gia một liên minh quân sự tấn công IS tại Libya và Italia chắc chắn sẽ có vai trò quan trọng trong liên quân chống khủng bố sắp tới. Theo tờ Le Figaro, có 2 lý do khiến Italia tham gia liên quân do Pháp đề xuất. Thứ nhất, làn sóng nhập cư bất tận từ bên kia Địa Trung Hải do cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi đang khiến đất nước hình chiếc ủng phải oằn mình gánh chịu. Không biết sức chịu đựng của cử tri Italia đến đâu nhưng chắc chắn chính quyền Rome phải sớm giải quyết tình trạng người nhập cư. Và lý do thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó là để bảo vệ các cơ sở dầu khí của Italia tại Libya, chiếm 17% nhu cầu quốc gia. Tờ Le Figaro cũng cho hay, Anh nhiều khả năng sẽ góp khoảng 1.000 binh sĩ trong tổng số 6.000 quân nhân dự định được triển khai. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Pháp cũng đang thuyết phục các nước trong khu vực như Tunisia, Algeria, Ai Cập, có thể kể cả các nước vùng Vịnh tham gia vào chiến dịch này.

Cựu Thủ tướng Italia Enrico Letta đã hối thúc châu Âu chung sức với Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo ông Letta, các nước châu Âu không thể chỉ thể hiện sự đồng lòng với việc hát bài quốc ca Pháp mà phải chứng minh rằng liên minh tồn tại và không thể phó thác mọi sáng kiến cho 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, thông điệp chính mà cựu Thủ tướng Italia muốn truyền tải đó chính là châu Âu cần tránh để cho Nga trở thành “đồng minh tốt nhất của Pháp”, mà theo ông Letta, điều này sẽ để lại những hệ quả tồi tệ đối với tương lai của khối. Nói về quan hệ Pháp và Nga, cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine cho rằng, kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris, Pháp đã tìm được tiếng nói chung với Nga. Nga can thiệp vào Syria, một phần vì tại đây có hàng ngàn người gốc Caucasus, những người này có thể trở về Nga để gây ra các vụ khủng bố. Pháp cũng muốn đánh IS để trả thù các vụ tấn công ở Paris.

Trong một thời gian dài, quan điểm của phương Tây, Mỹ, đặc biệt là Pháp, coi sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Nhưng nay quan điểm này của Pháp đã bị từ bỏ, do các đòi hỏi của tình hình cụ thể, mang tính khẩn cấp. Ông Vedrine cho rằng, trong khi các nước phương Tây khác tỏ ra chậm trễ trong việc phối hợp nỗ lực chung với Nga trong cuộc chiến chống IS, Pháp đang cho thấy những dấu hiệu thể hiện họ có cách tiếp cận thực tế hơn rất nhiều trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.


MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục