Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh lần 5-2014
Đó chính là nội dung các dự án sẽ được tổ chức thực hiện trong Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh lần 5-2014. Theo ban tổ chức chiến dịch, hành vi ứng xử với môi trường của mỗi người sẽ tác động rất lớn đến chất lượng môi trường sống hiện tại và tương lai. Do vậy, nếu ngày càng nhiều người dân sống thân thiện với môi trường thì chắc chắn chất lượng môi trường sẽ được cải thiện.
Giảm áp lực chi phí xử lý rác
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện nay trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Điều đáng nói là có đến 90% trong tổng lượng rác trên phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Từ nhiều năm qua, thành phố đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp cải thiện việc xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp, song không dễ thực hiện. Cụ thể, với hoạt động xử lý rác thành phân compost gặp khó khăn vì rác thải thu gom từ hộ gia đình không được phân loại.
Từ đó kéo theo những nhà máy đã đầu tư xây dựng khó có thể hoạt động vì thành phần rác quá phức tạp. Chất lượng phân compost không đảm bảo vì lẫn tạp chất… Còn những phương pháp xử lý khác như đốt rác phát điện thì đang trong giai đoạn nghiên cứu. Tại cuộc tiếp xúc với đại diện thành phố Osaka (Nhật Bản), ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, rất khó áp dụng công nghệ đốt rác trong giai đoạn hiện nay vì kinh tế thành phố không đáp ứng được. Hiện trung bình để xử lý 1 tấn rác bằng biện pháp chôn lấp mất khoảng 5 USD - 20 USD. Còn xử lý thành phân compost mất khoảng 12 USD - 15 USD. Tuy nhiên, để xử lý bằng biện pháp đốt phát điện phải mất khoảng 30 USD - 40 USD. Điều này quá sức chịu đựng của người dân cũng như ngân sách thành phố.
Cách đơn giản và ít tốn kém nhưng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiệu quả nhất chính là thực hiện giải pháp phân loại rác tại hộ gia đình. Thế nhưng, nhiều dự án đã được triển khai nhưng hiệu quả thu được vẫn còn thấp. Xuất phát từ thực tế đó, Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh do Báo Sài Gòn Giải Phóng kết hợp với Sở Công thương, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM thực hiện nhằm khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện hành động xanh. Trong đó, dự án khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn được xem là trọng điểm. Tuy nhiên, để không đi vào vết xe đổ của những dự án mà các cơ quan chức năng thực hiện trước đó, cách làm lần này có sự đột phá, khác biệt.
90% hộ gia đình hưởng ứng thực hiện phân loại rác
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô Thị TPHCM - Đơn vị phối hợp thực hiện dự án Khu phố xanh hạt nhân cho biết, để có thể triển khai được dự án này, ban tổ chức đã phải làm việc nhiều lần với gần 700 hộ gia đình tại quận Tân Phú, TPHCM để thống kê những thói quen “ứng xử” với rác. Đồng thời, tìm tiếng nói chung trong giải pháp thực hiện hoạt động phân loại, chuyển giao và tái chế rác thải từ hộ gia đình. Cuối cùng, một giải pháp đã được thống nhất đưa ra giữa người dân và ban tổ chức.
Cụ thể, ban tổ chức xác định lịch thu gom và cách thức thu gom phù hợp với thói quen sinh hoạt và loại rác sau phân loại. Với rác hữu cơ, nhân viên vệ sinh sẽ thu gom mỗi ngày từ 16 giờ. Còn rác vô cơ, người dân sẽ chuyển giao cho nhân viên vệ sinh vào 2 ngày thứ tư và chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ 17 giờ. Về phía người dân, khi chuyển giao lượng rác vô cơ cho nhân viên vệ sinh sẽ được quy đổi theo mức giá thị trường. Cuối tháng, lượng rác vô cơ tương ứng với số tiền mà người dân chuyển giao rác vô cơ, người dân sẽ được nhận lại sản phẩm xanh với giá trị tương ứng.
Hiện nay, công tác thực hiện thí điểm cho những dự án trên đã hoàn thiện với hơn 90% hộ gia đình đồng thuận thực hiện chương trình. Và Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh lần 5-2014, sẽ chính thức triển khai, đồng thời duy trì bền vững tại 4 khu phố xanh là Độc Lập, Lê Khôi, Lê Lư và Tân Sơn Nhì.
Không dừng lại đó, Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh còn tập trung đẩy mạnh các dự án khác, như: Cộng đồng xanh; Tiếp sức cùng người tiêu dùng xanh; Tôi yêu sản phẩm xanh; Vũ điệu hành động xanh; Đôi bàn tay xanh. Tất cả những dự án trên sẽ nhằm vận động cộng đồng hưởng ứng sử dụng sản phẩm xanh, tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM khẳng định, Chiến dịch Tiêu dùng xanh được phát động từ năm 2010 và đến nay, thống kê qua mỗi năm thực hiện, lượng khách tiêu thụ dành cho loại sản phẩm này luôn tăng 10% - 15% so với năm trước.
Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay. Do vậy, việc duy trì và phát triển các dự án có tính chuyên sâu, bền vững mà chiến dịch đang hướng tới sẽ kỳ vọng phát huy sức mạnh, vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp xanh, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững của môi trường. Mặt khác, từng bước thay đổi thói quen có hại cho môi trường trong cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống của chính mình.
MINH XUÂN