(SGGP).- Ngày 16-7, tại hội nghị đánh giá về thực trạng phát triển ngành cơ khí chế tạo, lãnh đạo Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương cho biết, tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu trang thiết bị máy móc, thiết bị sản xuất đã giảm dần qua các năm, năm 2010 là 17,47%, năm 2011 giảm xuống còn 10,16%.
Riêng từ năm 2012 đến 2014, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu Việt Nam đã đạt mức xuất siêu. Tuy nhiên, sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam vẫn vướng phải những khó khăn nhất định. Điển hình như sản phẩm, hàng hóa trong nước còn chưa đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng không ổn định, không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả chưa cạnh tranh… Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện, hóa chất vẫn phải sử dụng sản phẩm máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu chủ yếu từ ngoại nhập do chất lượng sản phẩm nội không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho sản xuất.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trong nước không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm trong nước, đa dạng mẫu mã, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh. Đặc biệt, trong công tác lập kế hoạch đấu thầu, các doanh nghiệp phải bóc tách và phân chia nhỏ nhiều gói thầu, nhằm tạo điều kiện để có các gói thầu mà phạm vi cung cấp các thiết bị, máy móc vật tư trong nước đã sản xuất được, để ưu tiên trong đấu thầu. Vì trên thực tế nhiều hồ sơ mời thầu đặt điều kiện tiên quyết vẫn ưu tiên cho hàng ngoại, ngay cả khi sản phẩm này đã được Bộ Công thương phê duyệt nằm trong danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được; hoặc có những sản phẩm trong nước sản xuất được nhưng khi chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước đối với sản phẩm thì hồ sơ mời thầu của gói thầu lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển hoặc xuất xứ từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan.
MINH XUÂN - MINH HẢI