(SGGP).- “Nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, góp phần tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với sửa Luật Ngân sách nhà nước” là chủ đề cuộc hội thảo do Bộ KH-ĐT phối hợp với Tổ chức USAID (Mỹ) tổ chức sáng 21-7 tại Hà Nội. Hội thảo là cơ hội để chia sẻ và thảo luận về định hướng, đề xuất các kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tiến tới các chuẩn mực quốc tế.
Tại hội thảo, TS Lê Quang Thuận, chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, cho biết, hệ thống ngân sách của Việt Nam mang tính lồng ghép và có tính thứ bậc rất cao. Ngân sách cấp dưới là bộ phận hợp thành của ngân sách cấp trên. Ngân sách cấp trên không chỉ bao gồm ngân sách cấp mình mà còn gồm cả ngân sách cấp dưới. Kết cấu này giúp tập trung được toàn bộ nguồn thu vào một quỹ ngân sách duy nhất, khắc phục được tình trạng cục bộ địa phương và tình trạng bất hợp lý về nguồn thu và nhiệm vụ chi của địa phương. Nhưng ngược lại, nhược điểm của mô hình này là không khuyến khích tính chủ động của địa phương trong việc khai thác nguồn thu và bố trí nhiệm vụ chi phù hợp với nhu cầu của địa phương; tạo ra tư tưởng ỷ lại, thụ động; trông chờ của địa phương vào sự phân bổ ngân sách của chính quyền trung ương...
Nhằm khắc phục những nhược điểm hiện nay về ngân sách, nhiều ý kiến khác có chung kiến nghị sửa đổi các quy định về phân cấp nguồn thu theo hướng tập trung nguồn lực cho ngân sách trung ương; tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương trong việc khai thác, quản lý và sử dụng nguồn thu mang tính ổn định và gắn với chức năng quản lý nhà nước của chính quyền địa phương (thuế nhà đất, phí, lệ phí...). Bên cạnh đó là việc điều chỉnh các nguyên tắc về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước giữa các cấp ngân sách. Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương - một nguyên tắc đã được Hiến định - được bảo đảm thông qua các nguyên tắc: ngân sách trung ương đảm nhiệm những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng của quốc gia; điều phối hoạt động kinh tế vĩ mô; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hỗ trợ những địa phương khó khăn. Ngân sách địa phương thực hiện nhiệm vụ chi cụ thể để đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước tại địa phương và những dịch vụ công cơ bản, gắn trực tiếp với địa phương...
ANH THƯ