“Người tốt ở Tứ Xuyên”

Kịch châu Âu mang màu sắc Nhật Bản

Kịch châu Âu mang màu sắc Nhật Bản

Bắt đầu từ ngày 27-2 tới, đoàn kịch Nhật Bản Tokyo Engeki Ensemble sẽ tổ chức lưu diễn xuyên Việt vở kịch kinh điển “Người tốt ở Tứ Xuyên” của tác giả Bertold Brecht. Ngày 25-2, đạo diễn Sawako Shiga (ảnh) đã có buổi gặp gỡ với báo chí tại Hà Nội.

* PV: Tại sao Tokyo Engeki Ensemble, một đoàn kịch của Nhật Bản lại chọn tác phẩm “Người tốt ở Tứ Xuyên” của tác giả người Đức Bertold Brecht lưu diễn tại Việt Nam trong chuyến đi xuyên Việt lần này?

Kịch châu Âu mang màu sắc Nhật Bản ảnh 1

Đạo diễn Sawako Shiga

* Đạo diễn SAWAKO SHIGA: Ở Nhật Bản, mỗi đoàn kịch thường chọn cho mình một hướng đi riêng biệt. Theo đó, bên cạnh các vở diễn phục vụ quảng đại quần chúng, những vở diễn đem lại doanh thu, các đoàn thường chọn cho mình một tác giả kịch bản như Henrik Johan Ibsen, Molière... còn chúng tôi từ khi thành lập (1954) đến nay vẫn luôn theo đuổi phương châm của B.Brecht là dùng sân khấu để thể hiện thế giới hiện đại. Mặc dù tôi được biết Nhà hát tuổi trẻ của Việt Nam cũng đã dàn dựng vở diễn này, song chúng tôi vẫn muốn đưa tới cho các bạn một cách nhìn khác về kịch B.Brecht qua cách cảm của các nghệ sĩ Nhật Bản.

* Vở diễn “Người tốt ở Tứ Xuyên” biểu diễn tại Việt Nam lần này được dựng lại trên cơ sở vở diễn đầu tiên của đoàn năm 1981. Vậy so với lần biểu diễn đầu tiên ấy vở lần này có nhiều thay đổi không, thưa bà?

* Nếu dàn dựng vở diễn theo đúng nguyên gốc bản dịch kịch bản “Người tốt ở Tứ Xuyên” thì thời lượng phải lên tới 4 tiếng. Vì thế chúng tôi đã co gọn vở diễn chỉ còn khoảng 2 tiếng để phù hợp hơn với khán giả. Ở Nhật, vở diễn cũng được làm ngắn lại để thanh niên không phải chịu áp lực về thời gian khi theo dõi vở diễn. Thời gian diễn có ngắn đi nhưng vở kịch vẫn trung thành với nội dung mà tác giả B.Brecht muốn chuyển tải tới người xem.

* Các vở kịch kinh điển của châu Âu thường nặng nề, vậy yếu tố nào đã thu hút khán giả trẻ Nhật Bản đến với vở diễn này?

Bối cảnh của vở diễn có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, có thể là Trung Quốc, là Nhật Bản... và cũng có thể là ở Việt Nam. Tên gọi của vở diễn có thể hơi khô khan, nhưng đó là một câu chuyện tình yêu. Song tình yêu đó không chỉ đơn thuần là sự si mê, ủy mị mà ẩn chứa trong đó sự đấu tranh giằng xé giữa người tốt và xấu, giữa cái thiện và ác. Điều này không chỉ thu hút thanh niên mà nhiều khán giả yêu sân khấu đều cảm thấy tò mò và hứng khởi khi đi xem vở diễn.

* Với những vở diễn mang tính hàn lâm như “Người tốt ở Tứ Xuyên” chẳng hạn, các nhà hát ở Nhật thường tự  trang trải kinh phí dàn dựng hay có sự hỗ trợ từ chính phủ?

* Với các vở kịch truyền thống, kịch kinh điển, chúng tôi đều xin tài trợ từ chính phủ. Vì như thế, việc hoàn thành vở diễn sẽ dễ hơn rất nhiều. Vở kịch “Người tốt ở Tứ Xuyên” được đoàn kịch dàn dựng từ mấy năm trước, khi đó kinh tế chưa gặp khó khăn như hiện nay do đó cùng với số vốn của chúng tôi có được, vở diễn đã được thực hiện khá tốt. Vở diễn không chỉ được lưu diễn thường xuyên trong nước Nhật mà đã từng sang Hàn Quốc và nay là Việt Nam.

* Sân khấu cho các vở diễn kinh điển phải chuẩn bị khá cầu kỳ. Với chuyến lưu diễn xuyên Việt lần này liệu yếu tố sân khấu có bị ảnh hưởng?

* Toàn bộ trang trí sân khấu đều được phía Việt Nam (Nhà hát tuổi trẻ) thực hiện theo đúng thiết kế của đoàn kịch Tokyo Engeki Ensemble gửi sang, nên các diễn viên sẽ không mất nhiều thời gian để thích nghi với sân khấu mới, đạo cụ mới. Tuy nhiên, đây là vở diễn khó, của tác giả người Đức, lại được thể hiện qua ngôn ngữ Nhật Bản vì thế mặc dù trong cả 5 buổi diễn tại Việt Nam đều sử dụng phụ đề tiếng Việt nhưng điều này cũng là rào cản với người xem. Song với sự nỗ lực, nhiệt huyết của diễn viên, chúng tôi hy vọng khán giả Việt Nam có thể cảm nhận được vở diễn một cách trọn vẹn.

Đoàn kịch Nhật Bản sang Việt Nam lần này gồm 30 thành viên trong đó có những diễn viên đã từng tham gia đoàn kịch biểu diễn tại Việt Nam cách đây 10 năm, như đạo diễn Sawako Shiga. Vở kịch được biểu diễn miễn phí và có phụ đề tiếng Việt.

- Tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) có 2 buổi diễn: thứ sáu 27-2 buổi 20 giờ; thứ bảy 28-2 vào lúc 15 giờ.

- Tại Trung tâm Văn hóa Thông tin (41A Hùng Vương, Huế) có 1 buổi duy nhất vào tối 3-3.

- Tại Nhà hát Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, Q1, TPHCM) có 2 buổi diễn: thứ bảy 7-3 vào lúc 20 giờ và chủ nhật 8-3 vào lúc 15 giờ.
 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục