
Sáng nay, 30-5, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trả lời khoảng 20 chất vấn của đại biểu (ĐB) Quốc hội tại hội trường.
Hỗ trợ thêm 820 tỷ đồng để giảm nghèo

Những chất vấn dành cho Bộ trưởng Phúc chủ yếu liên quan đến căn cứ, cơ sở để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, kịch bản lạm phát khi điều chỉnh tăng trưởng. ĐB Lê Văn Tâm nêu: “Tôi đã nhận được bản trả lời nhưng bộ không trả lời đúng câu tôi hỏi. Tôi muốn hỏi là khi điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng thì chỉ tiêu lạm phát có điều chỉnh không? Các chỉ tiêu nào khác cũng phải điều chỉnh theo?”.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thẳng thắn trả lời, hiện nay chỉ số lạm phát ở mức 15,6%. Ông nói: “Nếu thực hiện nghiêm túc 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đặt ra, tôi hy vọng chỉ số này giữ được ở mức 22%, song sẽ phải quyết tâm rất cao. Tăng trưởng giảm sẽ tác động mạnh đến một chỉ tiêu quan trọng là xóa đói giảm nghèo. Bộ đang xem xét lại chuẩn nghèo theo hướng có tính toán trượt giá. Nếu Chính phủ không hỗ trợ thì tỷ lệ hộ nghèo năm nay sẽ ở mức14,2% – 14,4%, không đạt được chỉ tiêu 11% - 12%. Tuy nhiên, Chính phủ quyết tâm đảm bảo an sinh xã hội, không hạ chỉ tiêu giảm nghèo. Theo mặt bằng giá thời điểm này thì khoản ngân sách hỗ trợ thêm để giảm nghèo sẽ vào khoảng 820 tỷ đồng”.
Các ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Lê Thành Tâm, Trần Quốc Vinh cùng bày tỏ quan tâm đến tình trạng các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư tràn lan hàng chục ngàn tỷ đồng vào các lĩnh vực được coi là “nóng” nhưng không phải lĩnh vực chính của họ. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải trình: “Đây thực sự là một vấn đề lớn. Hiện mô hình tổ chức của tập đoàn kinh tế còn nhiều vấn đề. Kinh doanh đa ngành đa nghề thì đúng rồi nhưng kèm với đó phải đa sở hữu nữa. Không thể lấy vốn nhà nước đi đầu tư sang các lĩnh vực khác”.
Cụ thể, Bộ trưởng Phúc cho rằng, việc cho phép các tập đoàn nhà nước lập ngân hàng là một kẽ hở lớn: “HĐQT của tập đoàn đã được giao quyền tự quyết định đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) không thẩm định, bộ chủ quản của họ cũng không thẩm định. Trong điều kiện đó, các ngân hàng phải đóng vai trò “bộ lọc” để xem xét tính hiệu quả của các dự án, quyết định có cho vay vốn hay không. Nay họ lập ngân hàng nữa thì việc sử dụng tiền nhà nước và tiền huy động từ người dân vào các dự án là rất khó kiểm soát”.
Chưa hài lòng với giải thích này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết “vặn” lại: “Thế trách nhiệm là của bộ nào trong việc quản lý vốn nhà nước trong các TCT, tập đoàn”? Bộ trưởng Phúc đáp: “Quản lý vốn nhà nước là trách nhiệm của Bộ Tài chính, song Bộ KH-ĐT cũng có trách nhiệm trong việc định hình cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp. Chúng tôi đang nghiên cứu để tháng 7 có thể trình Chính phủ thông qua Quy chế hoạt động của các tập đoàn nhà nước”.
Liên quan đến việc sử dụng đất, đặc biệt là giữ đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, ĐB Lê Quốc Dung hỏi: “Theo tôi biết cả nước hiện có tới 104 sân golf, đặc biệt là từ khi phân cấp cho địa phương xem xét, cấp phép thì số sân golf đã “nở rộ”, lấy đi một diện tích đất nông nghiệp không nhỏ, chưa kể gây ô nhiễm môi trường; thậm chí có sân golf còn nằm ngay trong khu dân cư. Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong vấn đề này?”.
Theo giải thích của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, các sân golf trước đây được coi là dự án nhóm A do Bộ KH-ĐT xem xét, cấp phép. Hiện nay, việc cấp phép cho sân golf đã được giao cho UBND cấp tỉnh, song nguyên tắc đã được Chính phủ quán triệt là phải tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không được sử dụng đất lúa để làm sân golf (trừ đất nông nghiệp bạc màu). “Tuy nhiên, vừa qua cũng có một số thông tin không chính xác về vấn đề này, ĐB và người dân quan tâm nên tìm hiểu kỹ”, Bộ trưởng lưu ý. Ông cho biết có nghe tin Long An cấp phép mấy chục sân golf, khi hỏi lại tỉnh mới biết chỉ có 3 dự án mà thôi.
Bộ KH-ĐT có đổ lỗi cho NHNN?

Giá cả tăng, người dân có thu nhập cố định chịu ảnh hưởng nặng nề Ảnh: VIỆT DŨNG
Với tinh thần đi thẳng vào vấn đề, không khoan nhượng, nể nang, các ĐB Nguyễn Đức Hiền, Vũ Hoàng Hà “xoáy” vào sự yếu kém trong công tác cảnh báo và thông tin thị trường của Bộ KH-ĐT. ĐB Vũ Hoàng Hà nói thẳng: “Cách nói của Bộ trưởng tạo cho ĐB hiểu nhầm là Bộ KH-ĐT đã dự báo chính xác nhưng Chính phủ và các bộ ngành khác không nghe. Nói như thế không được. Bộ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, nếu tin chắc vào dự báo của mình phải thuyết phục Thủ tướng và các thành viên Chính phủ chứ!”.
Cũng với quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch “lấy lại sự công bằng” cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN): “Tôi cảm thấy Bộ trưởng KH-ĐT nói để xảy ra lạm phát cao lỗi chính là của NHNN. Nói chính xác thì đây chỉ là giọt nước tràn ly thôi. Cơ cấu đầu tư bất hợp lý mới là nguyên nhân sâu xa. Nếu đổ lỗi hết cho ngân hàng và chỉ chú trọng chống lạm phát bằng siết chặt chính sách tiền tệ không khác gì là giải khát bằng thuốc độc”. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Ngọc Vinh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, số lượng ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp lần này lên tới 1.551 ý kiến, cao gấp 1,5 lần kỳ họp thứ 2. |
Bộ trưởng Phúc “nói lại cho rõ”: “Trách nhiệm dự báo không sát chúng tôi đã nhận. Đúng là công tác dự báo của ta còn phụ thuộc vào dự báo quốc tế rất lớn. Ta chưa đủ năng lực tự lập dự báo. Sự phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan cũng còn kém. Ở đây Bộ KH-ĐT không đổ trách nhiệm cho ai cả. Căn cứ vào những dự báo của bộ mà Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết chống lạm phát ngay từ tháng 8-2007. Những giải pháp điều hành là đúng nhưng có lúc chưa được thực hiện nhịp nhàng giữa tất cả các bộ ngành, chưa kịp thời điều chỉnh sát hợp hơn trong tình hình mới”.
Về cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Phúc nhận định: “Sự mất cân đối tiền – hàng đang là vấn đề lớn. Trách nhiệm chính của NHNN (mảng phương tiện thanh toán) và Bộ Công Thương, Tài chính (chính sách xuất nhập khẩu và cơ chế thuế). Quan điểm của tôi là như vậy. Nhưng cơ cấu đầu tư đúng là có trách nhiệm của Bộ KH-ĐT, trong đó các ngành sản xuất nguyên liệu chưa được chú trọng đúng mức. Tái cơ cấu nền kinh tế là chuyện phải tính về lâu về dài nhưng trước mắt nhiệm vụ chính vẫn là chống lạm phát”.
Đoàn thư ký kỳ họp thứ 3 đã tập hợp được 297 chất vấn của 132 ĐB Quốc hội tại 52 đoàn. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó có 27 chất vấn dành cho Thủ tướng Chính phủ. Thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn nhất là Bộ trưởng Công thương (35 chất vấn). |
ANH PHƯƠNG