Tháng 4, nhập khẩu đạt con số 6,95 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng qua lên hơn 24,8 tỷ USD. Với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng là 20,1 tỷ USD, như vậy, nhập siêu những tháng đầu năm đã lên khoảng 4,7 tỷ USD, tương đương với hơn 23% kim ngạch xuất khẩu. Với cách làm như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 20% trong năm nay là rất khó.
- Ấn tượng... nhập khẩu
4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của hầu hết mặt hàng máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong đó là các loại hàng hóa, máy móc, thiết bị cần thiết và chiếm kim ngạch lớn đều tăng cao. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4 tỷ USD (tăng 14,8%); xăng dầu gần 2,2 tỷ USD (tăng 19,6%); vải 1,5 tỷ USD (tăng 19%); sắt thép 1,6 tỷ USD (tăng 33,9%); điện tử, máy tính và linh kiện 1,4 tỷ USD (tăng 43,7%); chất dẻo 1,1 tỷ USD (tăng 54,7%)…
Trong khi đó, ở lĩnh vực xuất khẩu, nếu như các mặt hàng dệt may, giày dép, thủy sản… có sự tăng trưởng thì một số mặt hàng có kim ngạch lớn khác lại giảm như: dầu thô đạt 1,8 tỷ USD, giảm 9,2% (lượng giảm 47,2%); gạo 1,1 tỷ USD, giảm 3,1% (lượng giảm 15,8%); cà phê 655 triệu USD, giảm 22,8% (lượng giảm 16,1%).
Đóng góp đáng kể cho con số tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2009 (tăng 35,6%) là khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức tăng 55,6% với con số 10,2 tỷ USD. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (tăng 44%, đạt giá trị 9,5 tỷ USD) thấp hơn so với nhập khẩu của khu vực FDI là nguyên nhân khiến nhập siêu từ khối doanh nghiệp này 4 tháng qua là 700 triệu USD.
| |
Để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu từ khu vực doanh nghiệp FDI, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát lại những quy định hiện hành về xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để loại bỏ các quy định không phù hợp, bảo đảm đơn giản, thuận tiện nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác có thể thấy, từ nhiều năm trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI thường chiếm trên 30% so với kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của khối này khoảng 6 năm gần đây trung bình trên 25%/năm (ngoại trừ năm 2009 giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới).
Nguyên nhân của tình trạng này do Việt Nam là nước có trình độ kỹ thuật kém phát triển, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị nên việc nhập khẩu hàng năm của doanh nghiệp, nhất là ở khu vực FDI đều tăng mạnh. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam thường lấy mục tiêu tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, sau đó mới tính đến xuất khẩu, do đó hiệu quả kinh tế đem lại cho Việt Nam từ hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp FDI là không cao.
- Vẫn loay hoay với giải pháp tình thế
Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam dự kiến là hơn 72 tỷ USD (tăng 5,6% so với 2009), trong đó, mục tiêu kiềm chế nhập siêu thấp hơn 20%. Tuy nhiên, ngay chính Bộ Công thương cũng cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi phần lớn nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu, máy móc thiết bị (thường chiếm trên 80%) đều phải nhập khẩu.
Với việc không có giải pháp mang tính lâu dài nên năm nào cũng vậy, vấn đề nhập siêu vẫn được đưa lên “bàn cân” nhưng không thể đưa ra được lời giải. Ngay đến mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam là dệt may, để xuất khẩu được khoảng 3 tỷ USD trong 4 tháng qua, chúng ta phải nhập nguyên phụ liệu (bông, sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu) khoảng 2,6 tỷ USD.
Hiện nay, việc hạn chế nhập khẩu khá hiệu quả tập trung vào các nhóm các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm và một số máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được. Tuy nhiên, nhóm hàng hóa này chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu mặt hàng nhập khẩu (nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu thường chỉ chiếm khoảng 17%). Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên thừa nhận, hiệu quả kiềm chế nhập siêu thấp là bởi các biện pháp đang áp dụng hiện nay chủ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng trong khi tỷ trọng của nhóm này rất thấp.
Trên thực tế, hàng loạt giải pháp nhằm mang lại hiệu quả trong ngắn hạn đã được ban hành như hạn ngạch thuế quan, áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động, tăng thuế nhập khẩu... nhưng kết quả không có nhiều chuyển biến. Bình luận về việc áp dụng chính sách thuế trong việc giảm nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc tăng thuế kiềm chế nhập siêu chỉ là giải pháp ngắn hạn và cũng cần hết sức cân nhắc khi áp dụng đối với các mặt hàng. Bởi nếu tăng thuế, với nhiều mặt hàng dù thuế cao doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thì sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản phẩm đầu ra và đây không thể là giải pháp lâu dài cho việc hạn chế nhập khẩu.
Những giải pháp mang tính chất tình huống như thuế, rõ ràng không thể là giải pháp lâu dài cho việc kiềm chế nhập siêu. Phát triển công nghiệp phụ trợ là giải pháp đã được nhắc đến từ nhiều năm để giải quyết căn cơ bài toán nhập siêu nhưng đến nay, văn bản về quy hoạch, phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn chỉ là... dự thảo. Đó cũng là nguyên nhân giải thích tại sao, hàng năm tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu của Việt Nam đều rất lớn (năm 2008 và 2009 lần lượt là 27% và 21,6%)
NGỌC QUANG