Kiểm định khí thải xe máy: Cần lộ trình thích hợp

Bộ Công an vừa kiến nghị một số bộ ngành chức năng bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy có kiểm tra khí thải định kỳ. Chủ trương này từng được Bộ TN-MT đặt ra với mục tiêu hạn chế khí thải, bảo vệ môi trường. Các chủ trương, kiến nghị đều hợp lý nhưng cần có lộ trình và đơn giản hóa việc kiểm tra, tránh phiền hà, tốn kém cho người dân.
Xe gắn máy lưu thông lâu ngày cần được kiểm định khí thải (Ảnh chụp tại TPHCM trước đợt giãn cách xã hội lần thứ 4)
Xe gắn máy lưu thông lâu ngày cần được kiểm định khí thải (Ảnh chụp tại TPHCM trước đợt giãn cách xã hội lần thứ 4)

Hướng đến bảo vệ môi trường

Theo đánh giá của Bộ Công an, có 5 nguyên nhân làm gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông làm ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị. Có thể kể như: số lượng phương tiện cá nhân, nhất là mô tô tăng nhanh và không kiểm soát về khí thải khi hoạt động; số lượng ô tô cá nhân tăng, nhưng phần lớn tiêu chuẩn về khí thải chỉ đạt mức tối thiểu để giảm giá bán; công cụ kiểm soát khí thải từ giá xăng, dầu chưa hiệu quả, kiểm soát khí thải từ đăng kiểm chỉ có 2 chỉ số (đạt hay không đạt), dẫn đến thiếu kích thích chủ xe nâng cao chất lượng phương tiện của mình… 

Hiện nay, vẫn áp chung chính sách thuế, phí liên quan đến phương tiện, không có chính sách ưu tiên phương tiện giảm ô nhiễm không khí, phương tiện thân thiện môi trường (xe điện, tiết kiệm nhiên liệu). Việc hạn chế phương tiện cá nhân đã được một số địa phương đưa ra nhưng phương án thực thi rất khó, phụ thuộc nhiều vào giao thông công cộng, quy hoạch và phát triển đô thị. Với tốc độ phát triển kinh tế đề ra giai đoạn 2021-2025, theo kinh nghiệm quốc tế, khi thu nhập đầu người trên 3.000USD sẽ bùng nổ phương tiện ô tô cá nhân và xu hướng chuyển từ mô tô sang ô tô nhanh chóng, gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng và ảnh hưởng đến môi trường.

Từ thực tế trên, Bộ Công an đề nghị Bộ TN-MT phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ có các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Đó là việc bổ sung các quy định pháp luật như: bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy có kiểm tra khí thải định kỳ. Tuy nhiên, đơn giản hóa việc kiểm tra, không thể đưa vào trạm kiểm định như ô tô; có chế định liên quan đến bảo hành, bảo trì và đặc biệt là thường xuyên bảo dưỡng phương tiện giao thông, kèm theo là chế tài đủ mạnh nếu cá nhân, tổ chức không chấp hành.

Bộ Công an cũng đề nghị có cơ chế, chính sách giảm, miễn lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số với phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường, tăng phí với xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu.

Mặt khác, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định về đăng ký xe, theo hướng bổ sung dữ liệu liên quan đến loại động cơ, nhiên liệu, chỉ số khí thải vào dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện; thiết kế và lắp biển số đặc trưng riêng cho xe xanh (xe điện, xe lai xăng điện) để phân biệt với phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu...

Thiếu hành lang pháp lý phù hợp

Theo luật sư Nguyễn Quốc Toản (Đoàn Luật sư TPHCM), Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô, chưa quy định đối với xe máy. Trong khi hàng chục triệu xe máy đang là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, nhất là khu vực đô thị, nơi có mật độ phương tiện cao. 

Riêng tại TPHCM, theo thống kê của ngành GTVT, thành phố hiện có hơn 8 triệu xe gắn máy (trong đó, trên 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000), đó là chưa tính đến nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. “Khí thải từ phương tiện như xe máy cũ gia tăng và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí đô thị cũng như sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân TPHCM sử dụng xe máy chưa nhận thức rõ hiệu quả của bảo trì phương tiện và thay thế xe cũ nát, khiến không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề”, luật sư Nguyễn Quốc Toản phân tích.

Theo luật sư, cần có hành lang pháp lý phù hợp về tiêu chuẩn khí thải cho phương tiện xe máy. Tuy nhiên, cần có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng như quy định, thủ tục pháp lý hiệu quả và đơn giản, tránh phiền hà, tốn kém cho người dân. 

TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, cho hay, một bộ phận người dân nghèo ở các tỉnh thành, đặc biệt là TPHCM đang phụ thuộc vào xe máy cũ nát để mưu sinh, khi kiểm định chắc chắn sẽ không đạt yêu cầu về khí thải. Việc cơ quan chức năng thu hồi các xe này hay không lại cần có chính sách hợp tình, hợp lý.

Trong tình hình hiện nay, kiểm định khí thải hay thu hồi xe máy cũ không nên được áp đặt ngay mà cần lộ trình cụ thể, vừa đạt mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường vừa đảm bảo an sinh cho người dân.

“Trước mắt, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân bảo dưỡng định kỳ và thực hiện bỏ xe cũ nát, đổi xe máy mới. Sau đó có lộ trình kiểm soát chặt chẽ, phù hợp hơn”, ông Nguyễn Đinh Tuấn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục