Kiểm tra toàn bộ về pháp lý cơ sở sản xuất bao PP nằm trong khu dân cư phường 7, quận 8

Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra tính pháp lý trong công tác kinh doanh, sản xuất của cơ sở, đồng thời lấy mẫu nước, đo tiếng ồn để khảo sát mức độ ô nhiễm khu vực xung quanh. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở không trang bị thiết bị PCCC và không có lối thoát hiểm.
Sáng 14-10, Đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất. Ảnh: THANH ĐẠT
Sáng 14-10, Đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất. Ảnh: THANH ĐẠT

Ngay sau khi Báo SGGP đăng bài phản ánh “Khu dân cư phường 7, quận 8, TPHCM: Khổ sở sống cùng ô nhiễm”, ngày 14 -10, Đoàn kiểm tra liên ngành do Công an quận 8, TPHCM làm trưởng đoàn đã kiểm tra cơ sở sản xuất bao PP không tên tại địa chỉ số 255-257 đường Trịnh Quang Nghị khu dân cư Him Lam.

Đoàn liên ngành đã kiểm tra tính pháp lý trong công tác kinh doanh, sản xuất của cơ sở này. Bên cạnh đó, đã tiến hành lấy mẫu nước, đo tiếng ồn để khảo sát mức độ ô nhiễm xung quanh khu vực này. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở không trang bị thiết bị PCCC như chuông báo cháy, đường nước, vòi chữa cháy và không có lối thoát hiểm.

Kiểm tra toàn bộ cơ sở dệt bao bì. Ảnh: THANH ĐẠT
Kiểm tra toàn bộ cơ sở dệt bao bì. Ảnh: THANH ĐẠT

Từ kết quả kiểm tra, đoàn liên ngành sẽ báo cáo và đề xuất hướng xử lý.

Chủ tịch UBND phường 7, quận 8 Trương Hoài Bảo cho biết, sau khi nhận được thông tin về hoạt động cơ sở sản xuất bao PP thì đã cho kiểm tra. Sau khi kiểm tra, UBND phường phối hợp Công an quận và các cơ quan liên quan kiểm tra toàn bộ về pháp lý của cơ sở sản xuất bao bì này.

Bên ngoài cơ sở ô nhiễm và nhếch nhác. Ảnh: THANH ĐẠT
Bên ngoài cơ sở ô nhiễm và nhếch nhác. Ảnh: THANH ĐẠT

Trước đó, ngày 13-10, Báo SGGP đăng bài Người dân sinh sống tại khu dân cư đường Trịnh Quang Nghị (đường Ba Tơ cũ) thuộc phường 7, quận 8, TPHCM phải sống chung với ô nhiễm và tiếng ồn từ cơ sở dệt bao bì nhựa tồn tại hơn 10 năm nay.

Nhà xưởng được làm bằng khung sắt áp tôn, mái lợp tôn, rộng khoảng 300m2 trông xập xệ và nhếch nhác. Bên trong nhà xưởng là hàng chục máy dệt cũ kỹ chạy liên tục, những cuộn sợi nhựa nằm lăn lóc kín các lối đi. Công nhân di chuyển bằng cách leo qua những cuộn sợi. Cơ sở thường xuyên đóng kín cửa, chỉ chừa một lối nhỏ ra vào, tiếng máy dệt ầm ầm cùng với mùi khét của nhựa.

Tin cùng chuyên mục