Theo đó, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ dự án nhưng đã có quyết định giao đất và thực hiện xong nghĩa vụ tài chính do cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với dự án hoặc một phần dự án, được chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng; cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để xây dựng và khai thác không cần có chức năng kinh doanh bất động sản đối với công trình văn hóa, y tế, trung tâm thương mại (không phải là nhà ở); ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu cho ngân sách từ giao dịch bất động sản, đảm bảo giao dịch bất động sản minh bạch lành mạnh.
Hiện nay có tình trạng chủ đầu tư nhận tiền ứng trước, đặt chỗ, đặt cọc của khách hàng với số tiền rất lớn, lên đến 80% giá trị căn hộ. Việc xác định mục đích sử dụng nguồn tiền này còn khó khăn, không thuộc thẩm quyền nên sở gặp khó khăn trong việc xử lý chủ đầu tư khi xảy ra tranh chấp.
Theo nhận định của Sở Xây dựng TPHCM, thời gian qua thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố có phát triển nhưng chậm. Dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là tại TPHCM.
Theo một số nhận định, sau thời gian dịch Covid-19, thị trường có thể xảy ra tình trạng nóng sốt tại khu vực có đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ; các dự án tại khu đô thị trung tâm, dự án được thi công nhanh, chủ đầu tư uy tín, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, do các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, dịch bệnh, chính sách thuế đang được kiểm soát chặt chẽ… nên khó xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản trong năm 2021.
Trong quý 2-2021, Sở Xây dựng đã xác nhận 7 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai với 3.002 căn hộ, giảm 40% so với quý 1-2021 và 14,3% so cùng kỳ. Thị trường phát triển chưa bền vững, nguồn cung giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân chưa đáp ứng nhu cầu thực của người mua.