Kiến nghị giải pháp sớm triển khai cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Chiều 8-3, Hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho biết: “Tuyến cao tốc TPHCM – Cần Thơ là xương sống trong mạng lưới giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL. Thế nhưng, việc chưa triển khai cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ dẫn đến những khó khăn, bởi không thể khai thác kịp thời, đồng bộ của toàn tuyến cao tốc TPHCM – Cần Thơ”.

Cụ thể, toàn tuyến cao tốc TPHCM- Cần Thơ có 3 tuyến cao tốc. Trong đó, đoạn 1 từ cao tốc TPHCM – Trung Lương đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 2-2010; đoạn 2 là cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công vào năm 2009, đang đẩy nhanh thi công nhằm thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021; đoạn 3 là cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài khoảng 23km đã được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư vào năm 2017, với tổng mức đầu tư khoảng 5.370 tỷ đồng.

Trên cơ sở này, Bộ GTVT tổ chức sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2018. Song, do có thay đổi về chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để phù hợp quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nên sau đó Bộ GTVT hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và điều chỉnh lại dự án. Tháng 10-2019, Bộ GTVT phê duyệt báo cáo điều chỉnh dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ với tổng mức đầu tư từ 5.370 tỷ đồng xuống 4.758 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án là 932 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 năm, dự án vẫn chưa chọn được nhà đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng cũng chưa thực hiện.

Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ phần lớn đi qua địa phận của Vĩnh Long, đến nay tỉnh đã thành lập xong Ban giải phóng mặt bằng, hội đồng đền bù… và đã tổ chức họp 2 lần nhằm sẵn sàng thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ GTVT chưa bàn giao cắm mốc, thiết kế, các tim, tuyến… nên địa phương chưa thể xúc tiến công tác giải phóng mặt bằng được. Gần đây, theo thông tin từ Bộ GTVT thì dự kiến tháng 4-2020 sẽ xong phần bản vẽ, có thể khởi công trong năm 2020 nhằm nỗ lực hoàn thành cùng lúc với cầu Mỹ Thuận 2…”.

Tuy nhiên, Hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, với nhiều phần việc như sơ tuyển, đấu thầu nhà đầu tư, đàm phán ký hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng, hoàn thiện thủ tục giải ngân vốn ngân sách, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công… cần tối thiểu phải 41 tháng, thời gian khá dài. Do đó, để sớm thi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, hiệp hội vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng quy định “lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” theo Điều 26 Luật đấu thầu, nhằm rút ngắn quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sớm hoàn thành. Có như vậy mới phát huy hiệu quả kịp thời của toàn tuyến cao tốc TPHCM – Cần Thơ. 

Kiến nghị giải pháp sớm triển khai cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ảnh 1 Phối cảnh dự án cầu Mỹ Thuận 2, sẽ đấu nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 

Trước đó, vào cuối tháng 2-2020, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) triển khai thi công gói thầu xây lắp 01, thi công đường dẫn phía Tiền Giang thuộc “Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu”, với tổng kinh phí đầu tư 5.003 tỷ đồng. Điểm phía Tiền Giang sẽ đấu nối với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại nút giao xã An Thái Trung (huyện Cái Bè); điểm phía Vĩnh Long đấu nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ở nút giao Quốc lộ 80 (thuộc TP Vĩnh Long). Tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61km; trong đó, phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km; đối với phần cầu chính (cầu Mỹ Thuận 2) dài 1,9km được đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe…

Vào sáng 8-3, tại buổi kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT sớm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ phương án thi công tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng để hoàn thành năm 2021, cùng với việc sớm khởi công cầu Mỹ Thuận 2.

Tin cùng chuyên mục