Kiên trì cải cách

Trong bảng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 được công bố ngày 15-4, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2020 và là năm thứ 4 liên tiếp đứng đầu. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 địa phương vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Sau Quảng Ninh, trong nhóm 10 địa phương lần lượt là: Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.

Thứ tự các địa phương trên bảng xếp hạng quan trọng nhưng vấn đề được nhiều người quan tâm hơn cả đến PCI là những thay đổi trong môi trường kinh doanh hàng năm, thể hiện ở các chỉ số cụ thể qua góc nhìn của doanh nghiệp (DN) tư nhân. Kết quả PCI 2020 và 5 năm gần đây cho thấy, DN Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền; gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu - một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016. Vấn đề phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế từng gây nhức nhối nhiều năm trước, nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước nhiều. 

Dù vậy, báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy nỗ lực cải cách hành chính những năm qua còn “gập ghềnh”. Bên cạnh những lĩnh vực có nhiều tiến bộ, hoạt động cải cách cần được chú trọng hơn ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như: đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội. DN cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cũng theo kết quả điều tra PCI, cứ 4 DN thì có 1 DN cho rằng địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân; cứ 3 DN thì có gần 1 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN FDI.

Cùng với đó, vẫn còn 40% DN chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế; gần 45% DN cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN cho biết hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn; 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần... Các “ngôi sao cải cách” - các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại. Bên cạnh đó, niềm tin kinh doanh của DN do tác động của dịch Covid-19 đã giảm mạnh tại thời điểm năm 2020. Chỉ có 41% DN tư nhân trong nước và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới - giảm hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019. 

Những cải cách thời gian qua là đáng khích lệ song các kết quả điều tra PCI cũng cho thấy, cộng đồng DN tiếp tục kỳ vọng chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cắt giảm thời gian và chi phí cho DN, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện hơn cho DN tiếp cận thông tin và nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp; nắm bắt, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời cho DN…

Năm 2021 là năm khởi đầu cho nhiệm kỳ mới của chính quyền các cấp và việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được xác định là một trong những đột phá thể chế của Việt Nam trong 10 năm tới. Để làm được những điều đó, kết quả từ điều tra PCI đòi hỏi Chính phủ cũng như chính quyền các cấp cần phải nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì, thực chất và mạnh mẽ hơn thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục