Sau gần 1 năm thành lập, chương trình “Xây cầu nông thôn” của nhóm thiện nguyện Chung Sức đã đem lại niềm vui cho bà con vùng quê nghèo ở nhiều vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Tấm lòng người xa xứ
Mỗi khi có dịp đi thăm các miền quê của Việt Nam, ông Trần Văn Soi (đang sống và làm việc tại Nhật Bản) lại muốn làm điều gì đó tặng người dân nghèo. Thế rồi ý tưởng xây cầu được nảy sinh khi ông nín thở nhìn tụi nhỏ phải khênh xe vượt qua cây cầu khỉ cheo leo như diễn xiếc hay những cụ già đứng chờ đò để kịp buổi chợ quê…
Xúc động trước những hình ảnh đó, ông Soi cùng một số người bạn thân thiết ở Nhật lập tức chung tay triển khai kế hoạch xây cầu, rồi lập ra nhóm Chung Sức (văn phòng liên lạc hiện đặt tại lầu 1, cao ốc An Khánh, số 52, đường Song Hành, phường An Phú, quận 2, ĐT: 08.66764454). Và rồi, 17 cây cầu mới đã nhanh chóng được hình thành ở nhiều vùng quê nghèo thuộc miền sông nước Tây Nam bộ. Với ý nghĩa cao đẹp của chương trình, nhóm ngày càng thu hút được sự ủng hộ của nhiều kiều bào và bà con ở trong nước.
Ông Nguyễn Sơn (hiện ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TPHCM; trở về quê hương sau nhiều năm sống ở Canada) tâm sự: “Tôi xa quê nhưng luôn theo dõi tin tức trong nước thông qua báo đài. Bản thân là một kỹ sư, từng thi công nhiều công trình cầu đường nên khi nhìn cảnh người dân mình khổ sở, phải bơi sông lội suối để đi học, đi làm… tôi thấy day dứt và xót xa lắm. Chính vì vậy, ngay khi biết việc làm của anh Soi và nhóm Chung Sức, tôi rất cảm phục và xin tham gia nhóm; ngoài giúp kinh phí thì tôi còn trực tiếp theo sát để hỗ trợ nhóm về mặt kỹ thuật và thủ tục hành chính khi xây cầu”.
Khánh thành cầu Bình An (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Không tham gia trực tiếp xây cầu nhưng mỗi dự án trong chương trình “Xây cầu nông thôn” đều có sự đóng góp nhiệt thành của vợ chồng anh Trần Văn Vũ (Việt kiều Úc). Anh Vũ chia sẻ: “Mình xa quê từ nhỏ nên làm được gì cho quê hương thì đều cố gắng trong khả năng có thể. Khi làm được việc có ý nghĩa thì bản thân mình cũng cảm thấy nhẹ lòng và rất vui”.
Cũng theo anh Vũ, chuyến về thăm quê hương lần này anh đã sắp xếp thời gian cùng nhóm tới một số địa phương, tận mắt nhìn thấy tình cảnh của bà con nên khi trở lại Úc, anh sẽ tiếp tục vận động bạn bè, người thân cùng chung tay với nhóm Chung Sức xây cầu nông thôn tặng người dân nghèo.
Nhân niềm vui với cầu mới
Nhóm Chung Sức được sự hỗ trợ của những người có chuyên môn nên việc sắp xếp, lên kế hoạch về kỹ thuật, kêu gọi kinh phí và thi công xây cầu đều diễn ra rất chuyên nghiệp và suôn sẻ. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ thêm về kinh phí, vì vậy (mỗi cây cầu có chi phí từ 110 - 500 triệu đồng, tùy chiều dài của sông và địa chất) mới gần 1 năm triển khai, chương trình “Xây cầu nông thôn” đã đạt được kết quả đáng mừng.
Hiện tại, cầu Bình An (xã Bình Thành, Lấp Vò, Đồng Tháp) và 2 cầu ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) là cầu Cây Dông (ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh), cầu Kinh 20 (ấp Mỹ Nghĩa 2, xã Mỹ Đức Tây) đã xây xong và đưa vào sử dụng. Còn 3 cây cầu là cầu Lộ Cũ (ấp Mỹ Điền, xã Long Điền Đông A, Đông Hải, Bạc Liêu), cầu Cây Gạo (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) và cầu Kinh 500 (ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ Trung, Cái Bè, Tiền Giang) cũng đang vào giai đoạn hoàn thiện.
“Nhìn niềm vui của bà con, nhìn những đứa trẻ tung tăng tới trường trên cây cầu mới là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi. Bao năm xa xứ, nay được đóng góp chút công sức cho quê hương là điều mà chúng tôi hằng mong ước”, ông Nguyễn Sơn xúc động tâm sự.
Ngoài việc kêu gọi các nguồn tài trợ từ người thân, bạn bè, kiều bào, các mạnh thường quân sống trong nước thì nhóm Chung Sức còn được nhiều nhóm thiện nguyện tại TPHCM hỗ trợ tổ chức chương trình quyên góp như buffet chay, đấu giá vật phẩm… Đó còn là sự góp công, góp sức của nhóm thợ xây từ thiện của đạo Cao Đài và bà con địa phương. Từ thành công bước đầu, dự kiến đến năm 2015, nhóm Chung Sức sẽ xây 12 - 15 chiếc cầu, đây là niềm vui lớn đối với người dân ở những miền sông nước còn gặp nhiều khó khăn…
THU HƯỜNG
|