Kìm hãm đà tăng giá hàng hóa: Theo dõi sát sao, điều hành linh hoạt

Bão giá là điều không tránh khỏi trong bối cảnh giá xăng dầu dù đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, bình ổn giá cả, góp phần ổn định đời sống người dân. 
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Go! quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Go! quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Nghiên cứu giảm các loại thuế, phí

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trong thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao đã tác động trực tiếp tới giá thành và giá bán của một số mặt hàng có chi phí đầu vào sử dụng nhiên liệu xăng dầu, nhưng tác động lớn nhất là hiệu ứng tâm lý khiến các mặt hàng khác cũng tăng theo.

Hiện tại giá xăng dầu đã giảm, trong đó giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít, nhưng vẫn chưa quay trở lại mức kỳ vọng (nếu so với thời điểm tháng 7-2021 thì giá xăng RON 95 hiện nay vẫn đắt hơn khoảng 8.000 đồng/lít), nên nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, gần như nhiều mặt hàng, dịch vụ đã được thiết lập mặt bằng giá mới, khó quay trở lại mức cũ.

Để kìm hãm đà tăng giá hàng hóa, dịch vụ, đại diện Bộ Công thương cho biết, cần tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường, không để khan thiếu cục bộ.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi tích cực, cao hơn mức tăng 6 tháng của năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch bệnh; hàng hóa dồi dào, sức mua tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng cao, tăng 11,3% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm (tăng từ 13,7%-16,3%). So với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao trên 10% như Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, TPHCM, Cần Thơ… 

Đối với mặt hàng xăng dầu, theo lãnh đạo Bộ Công thương, sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng vừa giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu theo quy định; nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Kìm hãm đà tăng giá hàng hóa: Theo dõi sát sao, điều hành linh hoạt ảnh 1 Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: TRÍ THẾ
Theo sát diễn biến để ứng phó

 Dù có nhiều yếu tố khó lường gây biến động giá cả từ nay đến cuối năm nhưng theo PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cũng có nhiều yếu tố kìm chế giá cả hàng hóa. Trên thế giới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, xung đột giữa Nga và Ukraine rất khó đoán định sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc, làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu khó giữ ở mức cao như những tháng vừa qua. Còn trong nước, sản xuất nông nghiệp vừa qua khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản những tháng cuối năm sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến.

Về giải pháp, chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long đề nghị Bộ Tài chính chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả. Đồng thời cần theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.

Còn theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Chính phủ cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp, người dân và tình trạng “lạm phát do tâm lý”. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động thực hiện, điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở; tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản... 

Tin cùng chuyên mục