Kinh tế Eurozone thêm khó khăn

Hoạt động sản xuất trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 tiếp tục giảm sâu, trong khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và giá năng lượng tăng đã cản trở hoạt động sản xuất.

Các chỉ số ảm đạm

Theo khảo sát được tổ chức tài chính S&P Global có trụ sở tại Mỹ công bố ngày 3-10, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực đã giảm từ mức 48,5 trong tháng 8 xuống mức 48,4 trong tháng 9, thấp nhất trong 27 tháng qua. Chỉ số này không chênh lệch đáng kể so với mức 48,5 ước tính sơ bộ trước đó và tiếp tục thấp hơn ngưỡng 50 - ngưỡng phân định kinh tế tăng trưởng hay suy giảm.

Trong khi đó, chỉ số sản lượng cũng giảm từ 46,5 xuống 46,3 trong tháng 9, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp thấp hơn ngưỡng 50. Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá chỉ số PMI tổng hợp dự kiến công bố ngày 5-10 và được coi là thước đo đáng tin cậy phản ánh “sức khỏe” của một nền kinh tế.

Theo ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng Eurozone, hoạt động sản xuất trong Eurozone hiện trong tình trạng suy thoái trên diện rộng. Tại Tây Ban Nha, chỉ số PMI giảm từ 49,9 trong tháng 8 xuống 49,0 trong tháng 9; tương tự, chỉ số PMI của Pháp giảm nhẹ từ 47,8 xuống 47,7; PMI của Đức giảm từ 48,3 xuống 47,8.

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của S&P Global, sự kết hợp giữa tình trạng sản xuất chậm lại và áp lực lạm phát ngày càng tăng sẽ càng gây thêm lo ngại đối với triển vọng của nền kinh tế Eurozone. Nếu không tính đến ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế áp dụng trong thời gian đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên các nhà sản xuất khu vực chứng kiến nhu cầu và sản lượng suy giảm ở cấp độ nghiêm trọng như vậy, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào đầu năm 2009.

Kinh tế Eurozone thêm khó khăn ảnh 1 Một cửa hiệu thời trang ế ẩm ở Pháp do người dân tiết kiệm chi tiêu

Theo S&P Global, nhu cầu đối với hàng hóa của Eurozone giảm mạnh trong tháng 9 do lạm phát cao và bất ổn kinh tế đã khiến người dân tiết kiệm chi tiêu. Hơn nữa, niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020, khiến các công ty phải cắt giảm mua hàng.

Theo khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) hồi tháng 9, nguy cơ kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái trong vòng 1 năm là 60% và các chỉ dấu về PMI trong tương lai gần cũng không sáng sủa.

Nguy cơ chia rẽ

Theo Politico.eu, hơn 10 năm trước, khi châu Âu đang trong cơn khủng hoảng nợ của Hy Lạp và một số nước thành viên Eurozone khác, Đức đã dẫn đầu chính sách thắt lưng buộc bụng.

Giờ đây, phần còn lại của châu Âu đang phàn nàn khi Đức chi tiêu quá nhiều cho các khoản trợ cấp năng lượng mà họ lo ngại có thể làm trầm trọng thêm sự phân chia giàu nghèo trong Eurozone. Nhiều thành viên Eurozone cáo buộc Berlin đã sai lầm khi quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga, làm cho cuộc khủng hoảng năng lượng của khối trầm trọng hơn.

Bất đồng đang gia tăng trong Eurozone - đặc biệt là ở các nước như Italy và Pháp về gói 200 tỷ EUR khổng lồ của Đức được công bố vào tuần trước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng. Những bất bình này dự báo sẽ bùng phát tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào ngày 6-10 ở Prague (Czech), khi các nhà lãnh đạo giải quyết vấn đề chi phí năng lượng tăng và sự phân hóa kinh tế.

Theo phe chỉ trích, sức mạnh tài chính khổng lồ của Đức cho phép nước này cứu vãn nền kinh tế của mình, trong khi các quốc gia nghèo hơn càng gặp khó, mở ra khả năng các công ty Đức giành được lợi thế lớn do được nhà nước tài trợ so với các đối thủ ở nơi khác.

Các thành viên Eurozone cho rằng, Đức phải có trách nhiệm thể hiện sự đoàn kết chứ không chỉ chăm sóc cho bản thân mình, nhất là vì vai trò của Berlin trong việc giúp Gazprom (tập đoàn năng lượng của Nga) thiết lập sự thống trị ở châu Âu và vì việc Đức theo đuổi nguồn cung cấp khí đốt mới đang khiến giá khí đốt tăng lên.

Phản ứng với cách tiếp cận của Đức, Ủy ban châu Âu hôm 3-10 cũng kêu gọi các quốc gia phối hợp các biện pháp giải cứu và tránh phá hoại thị trường.

Tin cùng chuyên mục