Hãng AFP ngày 22-2 đưa tin, trong phiên giao dịch ngày 21-2 (giờ địa phương), lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, chỉ số chứng khoán Dow Jones của 30 tập đoàn và công ty Mỹ đã vượt ngưỡng 13.000 điểm. Đây là dấu hiệu khởi sắc của kinh tế Mỹ, đánh dấu kết quả khả quan cho những nỗ lực tìm cách vực dậy các ngành công nghiệp và tạo việc làm của chính phủ Tổng thống Obama.
Niềm tin của giới đầu tư
Theo phân tích của hãng tin Bloomberg, đây là hệ quả tích cực từ việc eurozone nhất trí phê duyệt gói cứu trợ 130 tỷ EUR hỗ trợ Hy Lạp và kết quả làm ăn có lợi nhuận của các tập đoàn và công ty Mỹ khiến giới đầu tư yên tâm hơn khi đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Thống kê mới nhất cho thấy, tốc độ tạo việc làm của kinh tế Mỹ tăng vọt trong tháng 1-2012, có 243.000 việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 1-2012 giảm còn 8,3%. Cả hai số liệu trên đều tốt hơn dự báo của giới chuyên gia trước đó. Đến cuối phiên giao dịch ngày 21-2, chỉ số Dow Jones giảm và dừng ở mức 12.966 điểm, tăng 16 điểm so với phiên giao dịch một ngày trước đó.
Trước những diễn biến mới, các chuyên gia dự báo năm 2012 có thể sẽ là năm khởi sắc của thị trường cổ phiếu. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số Dow Jones tăng tổng cộng hơn 6% so với mức tăng 5,5% trong năm 2011. Chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 8%, trong khi chỉ số Standard & Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng mạnh nhất, đạt 13%. Ông Brian Barish, chuyên gia quản lý quỹ tại Cambiar Investors LLC, nhận định: “Tôi không nhìn thấy lý do nào khiến thị trường sụp đổ. Kinh tế Mỹ đang hồi phục khá tốt. Điều này giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên vững vàng hơn”.
Người Mỹ dùng hàng Mỹ
Mỹ đang tìm cách đem việc làm về nước Mỹ thay vì xuất khẩu việc làm ra nước ngoài. Ông Obama đã xác định đây là mục tiêu quan trọng để phục hồi kinh tế Mỹ nhằm lấy lại niềm tin của cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ Mỹ đã ráo riết thúc đẩy các biện pháp thực hiện mục tiêu này. Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố sẽ đề xuất gói ưu đãi thuế mới để những công ty có đầu tư mở rộng quy mô tại Mỹ hoặc mang công ăn việc làm từ nước ngoài về cho đất nước. Những công ty tiếp tục đặt hàng gia công tại các thị trường lao động giá rẻ sẽ không được hưởng bất cứ quyền lợi về thuế nào từ chính phủ.
Ông Obama cho biết “Tôi không muốn nước Mỹ trở thành chuyên gia đầu tư tài chính và mua linh kiện từ các nước khác. Tôi mong chúng ta được biết đến là nơi sản xuất những sản phẩm chất lượng với 3 từ đáng tự hào Made in America” (Sản xuất tại Mỹ)… Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Mỹ thường chuyển khâu sản xuất trực tiếp sang các nước thứ 3 như Ấn Độ hay Trung Quốc bởi giá nhân công rẻ. điều này khiến lực lượng lao động tại chỗ khó tìm việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.
Tập đoàn Ford đã lên kế hoạch bổ sung thêm 12.000 lao động ở Mỹ vào năm 2015 thay lao động tại Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico. Intel dự trù một khoản đầu tư trị giá 4,4 tỷ USD xây dựng một trung tâm nghiên cứu chất bán dẫn tại New York. Không chỉ vậy, những trung tâm dịch vụ khách hàng qua điện thoại đang được kéo về Mỹ từ Ấn Độ, Philippines, Jamaica…
Trong mục tiêu đó, vào ngày 22-2, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố sẽ bổ nhiệm bà Heidi Rediker làm nhà kinh tế trưởng đầu tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại tại nước ngoài để tạo thêm việc làm trong nước. Bà Hillary tuyên bố việc triển khai “Ngoại giao việc làm” là nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đang tăng cường đào tạo đội ngũ các nhà ngoại giao về kiến thức kinh tế, tài chính và thị trường để họ có khả năng thúc đẩy, tạo việc làm tại Mỹ và nước ngoài.
Thanh Hằng (tổng hợp)