
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 11-8 đã công bố bản báo cáo đầu tiên ghi nhận những tín hiệu lạc quan từ thị trường tài chính thế giới nhân dịp tròn 2 năm bùng phát cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
IMF cho biết, thế giới đã chi khoảng 11.900 tỷ USD để khắc phục “cơn bão” tài chính. Những nước phát triển chi 10.200 tỷ USD, còn các nước đang phát triển dừng ở mức khiêm tốn hơn với 1.700 tỷ USD.
IMF dẫn phân tích của các nhà kinh tế thế giới cho rằng tới đây, các nước sẽ không phải tiếp tục chi những khoản ngân sách như trên nữa, vì đã xuất hiện những dấu hiệu ổn định đầu tiên trên thị trường thế giới. Cuộc khủng hoảng công nghiệp hiện có dấu hiệu sẽ chững lại trong năm 2009 tại Nga, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới.
Theo dự báo của IMF, thương mại toàn cầu sẽ có những bước chuyển biến tích cực vào đầu năm 2010, tiến tới hồi phục vào giữa năm 2010 khi đạt mức tăng trưởng 3,2% do sức cầu của nhiều nền kinh tế lớn sẽ tăng trở lại.
Trong vài ngày qua, có khá nhiều thông tin nhận định khủng hoảng kinh tế Mỹ đã chạm đáy và đang trên đà phục hồi. Trong quý 2-2009, GDP của Mỹ đang hướng gần tới mốc dương, tăng trưởng -1%, sau khi tăng trưởng -6,4% trong quý 1-2009.

Trong thời gian tới, châu Á được đánh giá là khu vực sẽ phục hồi sớm nhất. Số liệu thống kê của Bộ Kinh tế Hàn Quốc cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 104,9 tỷ USD, vượt qua Canada và Hồng Công (Trung Quốc). Nhật Bản, đất nước bị chìm sâu vào suy thoái kinh tế từ cuối năm ngoái cũng đang có những dấu hiệu phục hồi khi trong quý 2-2009, sản lượng công nghiệp ở ngành xe hơi (ảnh), điện tử đã tăng đều mỗi tháng. Các nhà phân tích kinh tế nhận định, nhờ vào các gói kích cầu tiêu dùng của chính phủ các nước, mà xuất khẩu của Nhật Bản bắt đầu khả quan trở lại, kinh tế Nhật trong quý 2 được dự báo là sẽ tăng 1,3% so với quý trước.
Nhiều công ty nước ngoài, trong đó có các nhà chế tạo ô tô và tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đang hướng mạnh sự chú ý sang Việt Nam vì cho rằng, đây là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển nhờ nhu cầu nội địa lớn. Với doanh số bán lẻ và dịch vụ tăng 20% trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đang nổi lên là một thị trường có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Theo Nikkei) |
P.NAM (Theo Economic Times, AP)