Kinh tế và sinh thái biển Việt Nam - Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

(SGGP).- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ biển, hải đảo Việt Nam (diễn ra từ 1 đến 8-6), ngày 7-6 tại Vũng Tàu, Bộ Tài nguyên-Môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam - tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường các đảo, quần đảo. Hơn 40 tham luận đã nêu lên thực trạng, tiềm năng và thế mạnh của biển, hải đảo Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế và sinh thái biển Việt Nam - Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

(SGGP).- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ biển, hải đảo Việt Nam (diễn ra từ 1 đến 8-6), ngày 7-6 tại Vũng Tàu, Bộ Tài nguyên-Môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam - tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường các đảo, quần đảo. Hơn 40 tham luận đã nêu lên thực trạng, tiềm năng và thế mạnh của biển, hải đảo Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội.

Chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Côn Đảo. Ảnh: THÁI BẰNG

Chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Côn Đảo. Ảnh: THÁI BẰNG

Là đất nước có hơn 3.200 km bờ biển và hàng ngàn đảo, quần đảo lớn nhỏ trải dài 28 tỉnh thành, song kinh tế biển Việt Nam trong nhiều năm qua chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực. Về khai thác cảng biển, du lịch, dịch vụ nghề biển, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Ngọc Thới, giai đoạn 2006-2010, các ngành kinh tế biển trên địa bàn chưa đi vào phát triển chiều sâu, còn nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tính bền vững.

Về kinh tế thủy sản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ TN-MT) Phạm Anh Tuấn đưa ra thực trạng chất lượng các sản phẩm thủy sản Việt Nam thấp nên giá bán thấp hơn nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Chúng ta hiện có gần 130.000 tàu đánh bắt xa bờ, song số tàu có mã lực từ 90 CV trở lên chỉ chiếm gần 19%. Do chất thải đổ ra sông và bờ biển nên hệ sinh thái biển bị suy thoái, dẫn đến chất lượng các sản phẩm thủy sản ngày càng thấp.

Mặt khác, tình trạng tự phát, phân tán, thiếu liên kết giữa các địa phương trong phát triển các ngành kinh tế biển đã dẫn đến hiệu quả đầu tư của các ngành và doanh nghiệp vào các vùng kinh tế biển kém hiệu quả, chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội.

Theo TS Nguyễn Tác An, Chủ tịch Ủy ban Chương trình Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam, giá trị kinh tế tài nguyên nước mặn, dầu khí, năng lượng tái tạo, tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái, các ngành kinh tế đảo đặc thù như: nơi cư trú, cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đảo, bảo tồn đảo và quần đảo… của Việt Nam hiện nay rất lớn nhưng hiệu quả khai thác những năm qua rất thấp.

Chính vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng quy hoạch và xác lập không gian hệ thống đảo và quần đảo theo hướng phát triển xanh. Đây là chiến lược thể hiện quyết tâm chính trị nhằm nâng tầm và phát triển vị thế, tiềm năng kinh tế biển Việt Nam gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Diễn đàn một lần nữa khẳng định, chiến lược kinh tế biển phải được các địa phương biển đặt trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội và tập trung các nguồn lực cho chính sách phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo thân yêu của Tổ quốc. 

H. NAM

Tin cùng chuyên mục