Kinh tế - Xã hội năm 2013 và đầu năm 2014: Xu hướng ổn định vĩ mô chưa vững chắc

* Cân nhắc có luật về giảm nghèo bền vững(SGGPO).- Cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2014, đa số ý kiến tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nhận định: nước ta đã cơ bản đạt được những mục tiêu tổng quát đã được đề ra cho năm 2013. Tuy nhiên, trong năm 2013 cũng như những tháng đầu năm nay, xu hướng ổn định vĩ mô chưa vững chắc.

* Cân nhắc có luật về giảm nghèo bền vững

(SGGPO).- Cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2014, đa số ý kiến tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nhận định: nước ta đã cơ bản đạt được những mục tiêu tổng quát đã được đề ra cho năm 2013. Tuy nhiên, trong năm 2013 cũng như những tháng đầu năm nay, xu hướng ổn định vĩ mô chưa vững chắc.

Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đến nay, đánh giá lại kết quả thực hiện, có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ giảm hộ nghèo. Các cân đối vĩ mô tiếp tục được duy trì theo hướng ổn định.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 đạt 5,42% (gần đạt mức kế hoạch 5,5% và cao hơn mức năm 5,25% của năm 2012); tạo việc làm mới đạt trên 1,54 triệu người (kế hoạch 1,6 triệu). Quý 1-2014, tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, lạm phát duy trì ở mức thấp; thu ngân sách đạt khá; thương mại xuất siêu; thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao.

Tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trở lại. Đặc biệt, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn phát sinh những dấu hiệu đáng lo ngại. Đời sống của một bộ phận người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn.

Qua thẩm tra, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: “Việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia đang thời kỳ thách thức lớn, công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều khó khăn. Việc nghiên cứu đề xuất một số chủ trương lại thiếu tính thuyết phục, gây tâm lý trong dư luận xã hội (như việc đăng cai ASIAD 18, Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tăng tổng mức đầu tư một số công trình...). Dịch bệnh xuất hiện, diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh thành trong khi công tác truyền thông, hướng dẫn và xử lý dịch bệnh còn lúng túng, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2014, nhưng yêu cầu bổ sung đánh giá về diễn biến tình hình dịch bệnh, nhất là dịch sởi ở trẻ em từ đầu năm đến nay. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong gần 5 tháng vừa qua, quản lý nhà nước ở một số bộ, ngành chưa tốt, cụ thể là công tác quản lý của Bộ Y tế thông qua việc xử lý dập dịch sởi. “Đây là vai trò của Nhà nước, của bộ chứ đâu có phải việc của địa phương. Khi có dịch, phải có chủ trương chỉ đạo thì Bộ trưởng lại nói thuộc thẩm quyền của địa phương”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn nhận xét.

Một số ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cho rằng Chính phủ cần có báo cáo chặt chẽ, đầy đủ hơn cả về kinh tế và xã hội. Trong 4 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến tích cực so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, dịch vụ, song chưa có sự phát triển căn bản. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiền đặc biệt lưu ý đến việc khả năng hấp thụ vốn, nhất là vốn tín dụng, chưa đạt như mong muốn; cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế ít được cải thiện.

Cân nhắc có luật về giảm nghèo bền vững

Chiều nay, 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.

Theo báo cáo tại phiên họp, các chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành nhìn chung là phù hợp với đối tượng thụ hưởng, phù hợp với mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo cũng như chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn và thường xuyên được đánh giá tổng kết nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với thực tiễn.

Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành khoảng trên 70 văn bản chỉ đạo định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo. Tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, nhìn chung là kịp thời, tuy nhiên vẫn có một số văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành còn chậm dẫn đến tình trạng có chính sách rồi nhưng địa phương, cơ sở vẫn chưa thực hiện được.

Qua triển khai thực hiện, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 là 864.050 tỷ đồng. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng: 97,42% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; hơn 80% thôn bản thuộc xã địa bàn khó khăn có đường giao thông đến đường trục; hơn 84% số xã địa bàn khó khăn có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, với gần 70% số hộ được dùng điện, 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, 100% số xã có trạm y tế xã...

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo được đánh giá là chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60%-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hàng năm còn cao (bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới so với tổng số hộ thoát nghèo do hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tách hộ…, trong đó hộ phát sinh nghèo chiếm khoảng 60% trong số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo).

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo (chồng chéo về đối tượng, nội dung, địa bàn...)  là một thực tế và đang trở thành một yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn: “Chính sách về giảm nghèo của chúng ta rất nhiều, cần rà lại xem đã thực sự hiệu quả chưa? Có tạo được động lực cho người dân tự phát huy vai trò của mình hay không, vì có một thực tế là ở một số vùng người dân thậm chí lại muốn giữ “danh hiệu” nghèo. Không để tản mạn quá nhiều văn bản như vậy, khó thực hiện và khó tránh trùng lập. Nên cân nhắc làm Luật về giảm nghèo bền vững”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đặc biệt lưu ý đến thực trạng là tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn rất lớn. “Hỗ trợ giảm nghèo bền vững cần chú trọng hơn nữa vấn đề giáo dục đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực cho các khu vực này”, ông Ksor Phước phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh yêu cầu xem xét lại toàn diện các nhóm chính sách, cắt bớt các khâu trung gian để nguồn lực về được nhiều nhất với người nghèo; đồng thời tạo sự thống nhất trong quản lý, điều phối các chương trình gỉam nghèo.

Cả nước có 07/63 tỉnh, thành phố (gồm TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Tây Ninh) nâng chuẩn nghèo của địa phương cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách cho đối tượng nghèo theo chuẩn của địa phương về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi…, đồng thời ban hành các chính sách giảm nghèo đặc thù riêng của tỉnh để hỗ trợ cho các đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc nâng chuẩn nghèo của tỉnh cùng với việc bố trí nguồn lực để các chính sách giảm nghèo đã góp phần giảm bớt khó khăn của các đối tượng nghèo, giúp họ nâng cao điều kiện sống, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

(Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)  

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục