Kỷ niệm khởi nghĩa Lam Sơn

Sáng 10-10 (tức 21-8 năm Đinh Dậu), tại Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), UBND TP Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm 599 năm khởi nghĩa Lam Sơn (1418-2017) và 584 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi (1433-2017).
Phần tế tại lễ kỷ niệm ở Thái miếu Nhà Lê
Phần tế tại lễ kỷ niệm ở Thái miếu Nhà Lê

Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Lễ hội Lam Kinh diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 10 – 12/10/2017). Trong đó sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), Đền thờ Trung túc vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) và Thái miếu nhà Hậu Lê, tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa).

Chính lễ năm nay sẽ được khai mạc vào sáng ngày 11-10 tại sân Rồng, khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam).

Theo sử sách, năm 1406, nhà Minh huy động hơn 80 vạn quân xâm chiếm nước ta, nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than cơ cực. Trong bối cảnh đó, Lê Lợi đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa.

Sau một thời gian chuẩn bị, năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), Lê Lợi cùng 50 tướng văn,  võ dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi nhân dân cùng nổi dậy đánh giặc cứu nước.

Sau 10 năm chiến đấu gian khổ, cuộc kháng chiến giành thắng lợi đã chấm dứt 20 năm Minh thuộc trên đất nước ra, giành lại độc lập cho nước Đại Việt.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở ra triều đại nhà Hậu Lê huy hoàng trong lịch sử nước nhà. Sau 5 năm làm Hoàng đế, Lê Lợi đã lâm bệnh và qua đời vào năm 1433.

Trong không khí thành kính, trang nghiêm, các đại biểu và nhân dân về dự đã ôn lại công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các tướng sĩ đối với công cuộc dựng nước và giữ nước.

Tin cùng chuyên mục