Gần 20 năm, không chỉ là một bác sĩ trực tiếp cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng tại phòng cấp cứu ở tuyến cuối khu vực phía Nam, anh còn là một “kỹ sư” blouse trắng với những thành tích sáng kiến cải tiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhi. Anh là bác sĩ chuyên khoa 1, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM Đinh Tấn Phương, người đã nhận nhiều bằng lao động sáng tạo, bằng khen của Thủ tướng trong năm 2014.
“Một cháu bé chơi gần hàng rào, sơ ý té, bị cây nhọn đâm thấu ngực, thủng tim. Từ chỗ bị nạn đến phòng cấp cứu không xa, máu từ vết thương phun trào. Tôi dùng những ngón tay chèn ép vết thương, tiến hành cấp cứu… Nhưng cháu bé không qua khỏi…” - bác sĩ (BS) Đinh Tấn Phương nhớ lại. Dù ca cấp cứu diễn ra đã hơn 10 năm nhưng BS Phương vẫn không quên hình ảnh cháu bé trút hơi thở cuối cùng trên tay mình. Những giọt nước mắt tức tưởi của anh rơi khi không cứu được bệnh nhân. Sau ca cấp cứu ấy, BS Phương trằn trọc mãi, nghĩ ra mọi cách trong thời điểm bệnh nhân đang nguy kịch, làm thế nào các y BS có thể làm tốt hơn để tiết kiệm “giờ vàng”, bỏ qua nhiều bước thủ tục hành chính, chỉ dồn sức cứu chữa bệnh nhân. Được sự chấp thuận của ban giám đốc bệnh viện, BS Phương cùng các đồng nghiệp thực hiện quy trình “Báo động đỏ”, trường hợp bệnh nhi đang mất nhiều máu, vỡ mạch máu lớn, thủng tim… thì ngay lập tức ngân hàng máu, phòng mổ sẵn sàng, BS khoa hồi sức, khoa ngoại có mặt, lực lượng bảo vệ dọn đường, tất cả tập trung giành lấy sự sống cho bệnh nhân. Với quy trình “Báo động đỏ”, rất nhiều bệnh nhi nguy kịch được cứu sống.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương và chiếc giường chuyển bệnh sơ sinh đa năng do anh sáng chế.
Từ khoa Cấp cứu đến các khoa - phòng mổ là một đoạn đường di chuyển xa, nếu đặt bệnh nhi đang trong tình trạng nguy kịch lên băng ca thông thường thì thiếu máy móc đi kèm, bệnh nhi không được ủ ấm đúng cách, môi trường chuyển bệnh không an toàn. Sau nhiều ngày miệt mài tự nghiên cứu, lập bản vẽ kỹ thuật - chỉnh sửa, lân la khắp chợ Nhật Tảo và Dân Sinh, các tiệm cơ khí chế tạo thiết bị, có những hôm ổ bánh mì treo trên xe từ sáng đến quá trưa… để rồi chiếc giường chuyển bệnh sơ sinh đa năng của BS Đinh Tấn Phương ra đời. Chiếc giường không chỉ tải nhiều máy móc đi kèm hỗ trợ cho bệnh nhi, có cả hộc - bàn viết đựng hồ sơ bệnh án, 4 bánh di chuyển, có chỗ gắn đèn, mà còn có thể gấp lại đồng bộ trên xe điện chuyển bệnh trong bệnh viện. Chiếc giường chuyên biệt cho trẻ sơ sinh này được sử dụng tại nhiều cơ sở y tế ở TPHCM, nhiều bệnh viện tỉnh lấy mẫu thiết kế về đặt sản xuất. Sản phẩm đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM.
Chưa hết, nhiều sáng kiến “lấn sân” sang khoa phòng khác của BS Phương cũng được đánh giá đạt hiệu quả cao, như: Bàn lấy máu xét nghiệm chuyên biệt cho nhi, đèn led sử dụng trong phẫu thuật, bình tích điện cho máy bơm tiêm tự động - máy truyền dịch, màn cách ly tự động, giá inox đa năng đầu giường… Thế nhưng khi nói về mình, BS Đinh Tấn Phương khiêm tốn: “Khi làm việc, tôi luôn nghĩ thêm cách có thể làm tốt hơn để bệnh nhi được hưởng. Những sáng kiến trên luôn có sự đồng thuận của lãnh đạo bệnh viện, hỗ trợ của đồng nghiệp. Thành quả của những sáng kiến cải tiến ấy là niềm hạnh phúc của các y BS khi nhìn bệnh nhi được cứu sống, lành lặn trở về với gia đình”.
| |
TRƯƠNG NGỌC