Hàng năm, vào tháng tư, tôi thường về Sư đoàn 9, Binh đoàn Cửu Long, để gặp gỡ những người từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và cả chiến sĩ trẻ, như để tìm thêm cảm hứng cho công việc làm báo của mình. Năm nay, tôi tới hai lần, vào dịp đơn vị đón chiến sĩ mới và hôm nay, sau hơn hai tháng họ bước vào cuộc sống quân ngũ.
Tôi hết sức ngạc nhiên trước sự thay đổi của họ. Những thanh niên ngày nào còn xúng xính trong bộ quân phục còn hằn nếp gấp, ngỡ ngàng bước vào doanh trại, nay đã như người lính từng trải. Cái nắng cuối mùa khô ở Nam bộ đã khiến da dẻ họ thắm hơn, nếp sống của quân đội làm cho họ nhanh nhẹn, tháo vát hơn. Cứ nhìn bộ quân phục đã sờn cũng biết họ đã khổ luyện như thế nào.
Binh nhất Huỳnh Đoàn tâm sự: “Anh biết đó, lúc mới vào đơn vị, chúng tôi lo không biết có trụ nổi cuộc sống vất vả trong quân ngũ không. Từ nhỏ đến lớn chúng tôi sống trong sự chăm sóc cưng chiều của ba má, tuy sống ở miệt vườn nhưng lớp thanh niên chúng tôi bây giờ ít phải làm ruộng, làm vườn. Chúng tôi tiếp xúc với các phương tiện thông tin, cái hay có, cái dở cũng nhiều, nên ba má lo là rất đúng. Ở nhà sống thoải mái, vào quân ngũ là phải tính từng giây, từng phút, sáng thức dậy sớm để tập thể dục, ăn sáng, rồi ra thao trường tập luyện, trưa ăn cơm, chợp mắt chừng một tiếng, rồi lại bước vào học tập, rèn luyện, cuối buổi chiều ra vườn chăm bón rau, cho cá ăn, tối sinh hoạt đoàn, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Mấy ngày đầu tưởng không chịu thấu nhịp sống khẩn trương ấy, nhưng chỉ vài tuần là quen và cảm thấy rất hay. Bây giờ, ngày nghỉ là phải làm việc gì đó, chớ ngồi không là khó chịu nổi. Anh biết không, có những sự kiện lịch sử như chiến dịch Hồ Chí Minh chẳng hạn, từng được học thời phổ thông, nhưng phải đến hôm nay, khi vào bộ đội, chúng tôi mới hiểu sâu hơn, cụ thể hơn”.
Không chỉ riêng Huỳnh Đoàn, nhiều chiến sĩ trẻ cho tôi hay, học lịch sử trong quân đội, nhất là khi nghe chính người trực tiếp tham dự những chiến dịch, những trận đánh ấy kể lại, tự nhiên trong người như bừng lên cảm xúc đặc biệt.
Đồng chí Phạm Xuân Trạo, Sư đoàn trưởng, nói với tôi: “Qua những đợt kỷ niệm những ngày lịch sử, chúng tôi luôn tổ chức những hình thức học tập làm sao cho thật sinh động, phong phú để bộ đội, nhất là chiến sĩ mới, hiểu hơn về lịch sử, tạo cho họ lòng yêu nước sâu sắc, để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Sư đoàn trưởng Phạm Xuân Trạo cho biết, làm gì cũng cần mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể, tránh căn bệnh hình thức, đại khái. Kỷ niệm chiến dịch Hồ Chí Minh năm nay, bộ đội, nhất là chiến sĩ trẻ, không chỉ được học mà sẽ được xem phim, đọc những cuốn sách viết về sư đoàn, binh đoàn trong chiến dịch lịch sử ấy. Trong chiến dịch ấy, sư đoàn đã đứng trong đội hình Đoàn 332, từ hướng Nam giải phóng lần lượt các tỉnh Tiền Giang, Long An và đánh thẳng vào nội đô Sài Gòn - Gia Định. Cánh quân này phải qua địa hình phức tạp, vấp phải sự chống trả ngoan cố từ các tuyến phòng thủ của địch, bộ đội thương vong khá nhiều. Trên đường tiến quân, nhân dân các địa phương đã dẫn đường, tiếp tế lương thực, thực phẩm. Tình cảm ấy không bao giờ được quên. Tổ chức kỷ niệm là để rút ra được bài học gì, đấy mới là quan trọng. Chiến sĩ trẻ cũng được xem những đoạn phim tư liệu, hình ảnh về chiến dịch Phước Long. Đó là chiến dịch đầu tiên của Binh đoàn Cửu Long sau khi thành lập, Sư đoàn 9 là đơn vị chủ lực đảm nhiệm hướng chủ yếu. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã giải phóng Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài và Phước Long, đây là thị xã đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng Phước Long là đòn thăm dò chiến lược và đã củng cố thêm quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về việc giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Đây là chiến dịch quy mô nhỏ nhưng hiệu quả vô cùng to lớn. Khi thấy tầm vóc to lớn của chiến thắng Phước Long, các chiến sĩ rất tự hào về truyền thống sư đoàn. Thời học phổ thông, họ đã được học lịch sử Đại thắng mùa xuân 1975, nhưng không hiểu sâu, không thực sự tạo được cảm hứng như bây giờ. Có lẽ do phương pháp dạy sử của chúng ta quá cứng nhắc chăng?
Tôi buột miệng hỏi: “Thời bình, bộ đội có nhiều thời gian hơn thời chiến?”. Đồng chí sư đoàn trưởng nói: “Đối với các đơn vị chủ lực, thời bình cũng phải sống trong nhịp độ khẩn trương, tiến độ huấn luyện phải đảm bảo cả thời gian và chất lượng, luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không để bất ngờ xảy ra, chúng ta đã có bài học hồi chiến tranh biên giới Tây-Nam”.
Hồi ấy, anh Trạo và tôi đều là chiến sĩ trẻ. Bản thân tôi cứ nghĩ, mình đã thắng tên đế quốc đầu sỏ, tên sen đầm quốc tế, thì chẳng bao giờ có kẻ nào dám động tới. Cho đến một đêm khuya, tiếng còi báo động dựng cả đơn vị dậy, đến nơi tập hợp, khi được phổ biến nhanh, kẻ địch đã xâm chiếm biên giới Tây-Nam, toàn đơn vị hành quân đi chiến đấu, chúng tôi vẫn ngây thơ nghĩ, đó là... một cách báo động huấn luyện. Cho đến khi tới xã Tân Lập, chúng tôi bàng hoàng khi thấy xác những người dân lương thiện bê bết máu nằm ngổn ngang trước sân nhà, trên đường làng, dưới giếng sâu. Lòng chúng tôi sôi lên căm giận bè lũ diệt chủng Pôn Pốt. Đó là bài học về tinh thần cảnh giác, mà chúng tôi, những người lính, không bao giờ được phép quên.
Tôi hỏi đồng chí sư đoàn trưởng về một vấn đề đang được quan tâm, đó là đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ: “Năm nay chiến sĩ trẻ đăng ký phục vụ lâu dài trong quân đội đông không?”.
- Đông hơn các năm trước nhiều. Trong thời gian huấn luyện, sẽ chọn những chiến sĩ xuất sắc để chuyển ngạch chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài hay đi đào tạo sĩ quan. Điều đáng mừng là trình độ văn hóa chiến sĩ bây giờ khá cao, không lo về học vấn như trước.
Phải, chiến sĩ trẻ quê ở các tỉnh Nam bộ trong những ngày miền Nam vừa mới giải phóng, phần nhiều trình độ văn hóa mới hết cấp 1, cấp 2, có người chưa đọc thông viết thạo, chọn người tốt nghiệp cấp 3 để đi học sĩ quan là rất khó, đành phải đưa vào trường bổ túc văn hóa quân đoàn học cấp tốc, có khi 1 năm nhảy qua hai lớp. Bây giờ không còn tình trạng thiếu người có đủ học vấn để đi đào tạo sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Ngay như lớp chiến sĩ trẻ nhập ngũ vào sư đoàn năm nay, trình độ từ lớp 10 trở lên chiếm số đông, trong đó có gần một nửa đã tốt nghiệp trung học phổ thông, có người tốt nghiệp đại học. Họ muốn thực hiện nghĩa vụ của người công dân và cũng là thời cơ để rèn luyện thêm trước khi vào đời. Hàng năm, trong số chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ có rất nhiều người là đảng viên. Đây là nguồn cán bộ quý bổ sung cho chính quyền cấp cơ sở các tỉnh. Rất nhiều đảng viên được rèn luyện ở sư đoàn này nay đã đảm nhiệm trọng trách ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ.
NGUYỄN ANH ĐƯỜNG