Kỳ vọng và trách nhiệm: Nâng chất đại biểu

HĐND TPHCM khóa VII đã khép lại với những dấu ấn khó phai. Trong danh sách trúng cử HĐND TPHCM khóa VIII, có 17/95 đại biểu tái đắc cử. Các đại biểu cho rằng dù tái cử nhưng cũng rất trăn trở, băn khoăn trước câu hỏi: Làm thế nào để làm tròn trách nhiệm của một người đại biểu dân cử, nhất là khi người dân đã tín nhiệm bầu lại lần nữa?

HĐND TPHCM khóa VII đã khép lại với những dấu ấn khó phai. Trong danh sách trúng cử HĐND TPHCM khóa VIII, có 17/95 đại biểu tái đắc cử. Các đại biểu cho rằng dù tái cử nhưng cũng rất trăn trở, băn khoăn trước câu hỏi: Làm thế nào để làm tròn trách nhiệm của một người đại biểu dân cử, nhất là khi người dân đã tín nhiệm bầu lại lần nữa? 

  • Phản ánh trung thực nguyện vọng của dân

Kinh nghiệm mà ông Lâm Đình Chiến, Thành ủy viên, Chánh Thanh tra TP, luôn tâm niệm, đó chính là phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và các cơ quan chức năng của TP.

Thực tiễn luôn đặt ra và đòi hỏi bản thân mỗi đại biểu phải xác định được vai trò của cử tri với hoạt động của mình để coi đây là bổn phận, là động lực để đại biểu gần gũi, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri và phải không ngừng nỗ lực phấn đấu vun đắp mối quan hệ đó. Bên cạnh đó, đại biểu cần luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kiến thức về mọi mặt, nhất là nắm vững đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng tình với suy nghĩ đó, ông Dương Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP, cũng cho rằng: Trách nhiệm của đại biểu HĐND sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi người đại biểu phải theo sát tình hình địa bàn và nắm chắc tâm tư tình cảm của người dân.

Theo ông, nhiệm kỳ tới, ông sẽ tiếp tục tham gia giám sát về tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là những khu vực sản xuất của nông dân như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh; tình trạng tìm việc làm, học nghề của thanh thiếu niên khu vực nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; kêu gọi, quảng bá để tìm đầu mối tiêu thụ nông sản; tiếp tục kiến nghị TP hoàn thiện dự án đê bao sông Sài Gòn để bảo vệ sản xuất của nông dân trong vùng.

  • Cần định kỳ đánh giá tư cách đại biểu

Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP nói: “Mong mỏi đại biểu khóa VIII sẽ tâm huyết và quyết liệt hơn, giành nhiều thời gian đi cơ sở hơn để hiểu được suy nghĩ của dân, đưa nguyện vọng và mong muốn của dân ra trước nghị trường”. Ông Sen cho rằng HĐND còn có thể làm được rất nhiều việc nếu quyết liệt hơn trong công tác giám sát của các ban và trong chất vấn tại nghị trường...

“Khóa trước vẫn còn tình trạng nhiều đại biểu không tham gia đóng góp ý kiến của mình (khoảng 50%), đó là điều không thể chấp nhận được. Hiện nay phần lớn đại biểu HĐND TP là kiêm nhiệm, chưa phát huy hết khả năng cho hội đồng nên rất cần tăng cường thêm đội ngũ giúp việc chuyên nghiệp cho HĐND TP. Bởi, nếu có bộ máy giúp việc chuyên sâu thì khi “bấm máy” thông qua các tờ trình, đại biểu HĐND đỡ “lăn tăn” mà có được cái nhìn toàn diện và chuyên sâu về vấn đề đó hơn” - ông Sen chia sẻ.

Chia sẻ với chúng tôi xung quanh việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ tới, ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn, đưa ra 4 đề xuất:

Một là, để thực thi tốt vai trò của đại biểu HĐND, đòi hỏi mỗi đại biểu phải có khả năng tư duy, kỹ năng phân tích vấn đề và phản biện. Tuy nhiên, với tỷ lệ đại biểu mới trong mỗi nhiệm kỳ tương đối cao, nhiều đại biểu hoạt động dưới hình thức kiêm nhiệm và không chuyên trách, do vậy cần phải tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm về phương thức hoạt động trong HĐND từ những người đi trước; tổ chức bồi dưỡng các kỹ năng chuyên sâu có liên quan cho các đại biểu.

Hai là, nhằm thúc đẩy các tổ đại biểu hoạt động hiệu quả hơn, Thường trực HĐND cần xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá hoạt động của từng đại biểu trong nhiệm kỳ để làm cơ sở đánh giá năng lực đại biểu. Bên cạnh đó, từng Tổ đại biểu cần phải có chương trình hành động hàng năm để Thường trực HĐND và cử tri giám sát, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành từng năm.

Ba là, để giải quyết kịp thời những kiến nghị của người dân, Tổ đại biểu nên có sự phối hợp định kỳ 3 tháng/lần với UBND quận nhằm giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh tại địa phương cũng như nắm bắt nguyện vọng của cử tri để đưa ra thảo luận trong nghị trường. Ngoài ra, để sâu sát với nhân dân hơn nữa, các đại biểu cần có cơ chế tiếp xúc với cử tri linh hoạt mà không cần đợi đến lịch gặp theo định kỳ.

Bốn là, đối với các vấn đề lớn mang tính chuyên môn sâu, HĐND nên có Ban tư vấn phản biện gồm các chuyên gia, tri thức đầu ngành làm thành viên. Có như vậy, chất lượng của các nghị quyết mới đảm bảo tính thiết thực cao.

VÂN ANH - LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục