Cửa sổ thế giới

“Lá phổi xanh” ở bang Bihar

Đến Đông Bắc bang Bihar, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ vào thời điểm đầu thu này, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của nhiều người nông dân đang gieo hạt trồng cây gây rừng.

Anh SM Raju, “người giữ rừng của bang Bihar”, cũng đang chung tay góp sức với những người nông dân, hăng say làm việc quên cả cái nắng nóng dưới thời tiết oi bức. Xuất phát từ ý tưởng bảo vệ môi trường sống, kỹ sư Raju đã quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình và anh đã nhận được sự ủng hộ của Chương trình việc làm nông thôn (NREGA) của Chính phủ Ấn Độ.

Kế hoạch của Raju có tên gọi “Xã hội quản lý rừng”, phác thảo ra một chương trình việc làm 100 ngày trong một năm tại khu vực nông thôn và bang Bihar là địa điểm đầu tiên được chọn thí điểm. Bởi lẽ, với mật độ dân đông, có 44% nông dân nghèo rơi vào tình trạng thất nghiệp, Bihar cần sự trợ giúp nhưng không phải là thông qua các chương trình viện trợ.

Anh Raju đã nảy ra ý tưởng mang lại thu nhập cho hàng triệu nông dân thất nghiệp ở bang Bihar, giúp họ có việc làm, cuộc sống đỡ chật vật hơn.

Theo chương trình này, một ngôi làng có chỉ tiêu trồng 50.000 cây con, cứ 4 gia đình sẽ có nhiệm vụ gieo trồng 200 hạt giống, chăm sóc cây để chúng trưởng thành. Nếu số lượng cây con phát triển lên đến tỷ lệ hơn 90%, một thành viên tham gia chương trình sẽ nhận được 200 USD, tỷ lệ khoảng 75%, số tiền giảm xuống còn một nửa.

Những hạt giống chia làm 2 loại, một loại là cây xanh, một loại là cây ăn trái. Những hạt giống cây ăn trái được trồng tại làng, hạt giống cây xanh thì được trồng xung quanh đường cao tốc, nhà máy.

Trước khi thực hiện chương trình “trồng cây gây rừng” Raju đã đến từng ngôi làng ở Đông Bắc Bihar, giải thích cặn kẽ cho người dân về công việc sắp tới và khuyến khích họ tham gia. Anh bày tỏ mong muốn thông qua chương trình này, bang Bihar sẽ có một “lá phổi xanh”, chống chọi với khí thải độc hại từ những nhà máy sản xuất công nghiệp, những trận lũ quét phá hoại mùa màng của người dân trong thời gian tới.

“Lá phổi xanh” này cũng sẽ đem lại một môi trường sống trong lành hơn, thay vì chặt phá rừng, người dân hãy giữ gìn chúng vì đó là một nguồn tài nguyên vô giá. Cuối tháng 8 vừa qua, chương trình “trồng cây gây rừng” được triển khai ở Đông Bắc Bihar và đã thu hút được 1 triệu người dân tham gia.

Raju và NREGA hy vọng chương trình này sẽ được nhân rộng trong thời gian sắp tới vì nó thật sự rất hữu ích, khi vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân, vừa giúp mang lại môi trường xanh, giảm thiểu những tác động to lớn của tình trạng biến đổi khí hậu.

Phương Nam (Theo BBC)

Tin cùng chuyên mục