Lại đau đầu “căn bệnh” học thêm

Kết quả cuộc khảo sát mới đây do Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) thực hiện cho thấy, có đến 35,6% học sinh lo âu do chịu áp lực cao trong học tập, tỷ lệ các em đi học thêm chiếm 88,4%. Tình trạng học thêm tuy không mới nhưng năm học nào cũng trở thành gánh nặng đối với nhiều học sinh.

Muôn kiểu học thêm

Kết thúc 4 tuần học đầu tiên của năm học 2023-2024, anh Nguyễn Hoàng, phụ huynh có con đang học lớp 1, Trường Tiểu học T.H.Đ. (quận 1), cho biết, giáo viên chủ nhiệm gửi tin nhắn thông báo cô mở lớp dạy thêm tại nhà, phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng ký cho con đi học. Hàng ngày, sau khi con kết thúc thời khóa biểu chính khóa ở trường lúc 15 giờ 30, hai vợ chồng thay phiên đón con về nhà tắm rửa, cho ăn nhẹ rồi chở đến lớp học thêm cách trường 3km. “Mỗi tuần cô giáo dạy thêm 2 buổi, từ 17-19 giờ tối, học phí 800.000 đồng/tháng. Lớp học có 3 giáo viên phụ trách học sinh ở nhiều độ tuổi, con tôi mới lớp 1 nên chủ yếu được cô rèn cách cầm bút và viết chữ”, phụ huynh này cho biết.

Một lớp học thêm được mở tại quận 8, TPHCM. Ảnh chụp ngày 30-10-2023. Ảnh: CAO THĂNG
Một lớp học thêm được mở tại quận 8, TPHCM. Ảnh chụp ngày 30-10-2023. Ảnh: CAO THĂNG

Chị Phương Thúy, phụ huynh có con học lớp 4, Trường Tiểu học H.H. (quận Bình Thạnh), chia sẻ: “Ba năm đầu tiên của tiểu học, tôi kèm con học tại nhà. Năm nay con lên lớp 4, các dạng toán phức tạp hơn, cách tôi dạy và cách con được hướng dẫn tại lớp không giống nhau nên tôi cho con học thêm ở nhà giáo viên chủ nhiệm. Gia đình vừa tốn thêm chi phí vừa mất thời gian đưa đón con nhưng không còn cách nào khác”.

Học thêm cũng là lựa chọn phổ biến của nhiều học sinh tiểu học có nguyện vọng tham gia kỳ khảo sát năng lực tuyển sinh vào lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) - một trong hai trường tuyển sinh bằng hình thức khảo sát năng lực trong năm học trước. Hàng năm, tỷ lệ chọi của kỳ khảo sát luôn ở mức cao khiến cuộc đua giành suất học căng thẳng, học sinh phải chạy đua luyện thi từ đầu năm lớp 4.

Còn ở bậc trung học, Minh Khôi, học sinh lớp 8, Trường THCS N.V.N. (quận Gò Vấp), vừa xin nghỉ lớp học thêm cũ - do một giáo viên khối 7 của trường tổ chức, để đăng ký lớp học thêm của cô giáo đang dạy chính khóa ở trường. Khôi tâm sự, dù rất thích cách dạy của giáo viên ở lớp học cũ nhưng vì gần một nửa các bạn trong lớp đều đăng ký học thêm ở nhà cô giáo mới nên em không thể không tham gia. Minh Khôi giải thích, ở lớp học thêm, giáo viên cung cấp thêm các đề cương ôn tập, luyện giải đề giúp tăng cơ hội “trúng tủ” các bài kiểm tra. Vì vậy, học sinh này chọn học thêm với cô giáo mới để có điểm số tốt hơn ở lớp.

Trong khi đó, hiện nay, nhiều học sinh lớp 10 đang căng mình “chạy sô” ở các lớp học thêm để bổ sung kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tuyển bổ sung lớp 10 chuyên và tích hợp, dự kiến diễn ra vào cuối học kỳ 1.

Tại TPHCM, đầu tháng 3-2023, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản yêu cầu phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng yêu cầu các phòng GD-ĐT báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn hàng năm vào thời điểm trước khi kết thúc năm học và khi có yêu cầu đột xuất từ cơ quan quản lý.

Đề xuất là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống. Tuy nhiên, trên thực tế, các lớp luyện chữ, dạy toán cho học sinh tiểu học tại nhà giáo viên vẫn sáng đèn mỗi đêm. Trước đây, học sinh tiểu học thường bắt đầu học thêm từ lớp 4, nhưng nay đã trở thành chuyện bình thường với các “tân binh” lớp 1. Ngoài việc học thêm hai môn Toán và tiếng Việt, nhiều học sinh còn được cha mẹ đăng ký các lớp toán tư duy, robotic, ngoại ngữ, tin học… Mặc dù các chuyên gia liên tục cảnh báo tình trạng quá tải học thêm đối với học sinh tiểu học - độ tuổi các em cần tăng cường các hoạt động vui chơi, phát triển thể chất, song “căn bệnh” này chưa tìm ra lời giải.

Giữa tháng 10-2023, Chính phủ gửi báo cáo đến các đại biểu Quốc hội về đề xuất của Bộ GD-ĐT đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là cơ sở để Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 (ban hành ngày 16-5-2012) quy định về dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo phù hợp hơn trong bối cảnh mới, thuận lợi cho công tác quản lý trong và ngoài nhà trường.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, dạy thêm, học thêm xuất phát từ nguyên nhân thu nhập nghề giáo viên hiện nay quá thấp khiến một bộ phận thầy, cô giáo phải dạy thêm. Ngoài ra, hiện nay cơ sở pháp lý chưa đầy đủ khiến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động này còn nhiều kẽ hở, việc xử lý đối với đơn vị tổ chức dạy thêm, học thêm sai quy định chỉ mang tính “giơ cao đánh khẽ”. Điều này khiến hoạt động dạy thêm ngày càng “trăm hoa đua nở”, thiệt thòi lớn nhất thuộc về học sinh.

Tin cùng chuyên mục