Tai nạn đường sắt thương tâm vừa mới xảy ra - tàu lửa húc 6 ô tô trên cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến 2 người tử vong, 24 người bị thương nặng chưa kịp nguôi ngoai thì dư luận lại bàng hoàng trước hung tin có thêm 2 tai nạn tàu lửa trong ngày 8-2 cướp đi sinh mạng của 1 người, làm bị thương nặng 2 người. Thật kinh hoàng và đáng lo sợ khi người dân và các phương tiện vẫn tiếp tục lưu thông qua những “điểm đen” – đường cắt ngang giữa đường sắt và đường bộ đang hiện diện ở khắp mọi nơi trong cả nước.
Trước tình trạng xảy ra tai nạn tàu lửa liên tiếp, ngày 8-2, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải tổ chức họp khẩn để chỉ đạo giải quyết vụ việc và đưa giải pháp nhằm hạn chế tai nạn tiếp theo. Việc họp khẩn của Bộ GTVT là cần kíp nhưng, dư luận không thể không đặt câu hỏi ngược lại: “Tại sao chuyện đã rồi-cứ nước đến chân… thì ngành chủ quản mới nhảy nhổm vào cuộc, tìm biện pháp khắc phục?”.
Những vụ tai nạn đường sắt thương tâm như trên đã được lên tiếng, cảnh báo rất nhiều lần và lần nào ngành GTVT cũng đưa ra giải pháp khắc phục, hứa hẹn hạn chế tai nạn… Thế nhưng, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn thì vẫn còn hiển hiện, bởi vẫn còn quá nhiều điểm đường sắt băng qua đường bộ và lưu hành chung giữa cầu đường sắt lẫn đường ô tô. Chính vì thế, cứ mỗi khi xảy ra tai nạn thương tâm, người dân lo ngại, ngành chủ quản mới vội vã họp khẩn để tìm giải pháp hạn chế.
Vậy đến bao giờ nỗi lo chết người này mới giảm? Lẽ ra, những việc cần phải làm và đã được ngành GTVT xới lên, hứa với dân nhiều lần phải được ưu tiên làm ngay, làm gấp trong từng năm. Có như thế, nỗi đau, nỗi mất mát không đáng có từ những “cung đường đen”- điểm giao tiếp giữa đường dân sinh với đường sắt sẽ giảm dần. Mong rằng ngành GTVT trong năm 2011 này sẽ đặt trọng tâm vào chương trình giảm dần tai nạn đường sắt bằng cách xóa các điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ.
NGUYỄN HIỆU (TPHCM)