Lãi suất cuối năm khó giảm mạnh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn kiên trì chính sách giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tỷ giá và lạm phát vẫn là những biến số khó lường, gây cản trở đến xu hướng giảm lãi suất trong những tháng cuối năm.
Tiền gửi tiết kiệm của người dân vẫn chảy vào ngân hàng dù lãi suất giảm mạnh (ảnh giao dịch tại SHB). Ảnh: MINH HUY
Tiền gửi tiết kiệm của người dân vẫn chảy vào ngân hàng dù lãi suất giảm mạnh (ảnh giao dịch tại SHB). Ảnh: MINH HUY

Áp lực lạm phát, tỷ giá

Sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp kể từ đầu năm 2023, làn sóng giảm lãi suất tiền gửi thời gian qua cũng đã kéo mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay về mức thấp.

Theo NHNN, lãi suất cho vay VND đã giảm bình quân khoảng 1,5%-2%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng giảm dần, chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia Ngân hàng HSBC cho rằng, có nhiều yếu tố rủi ro như lạm phát bình quân năm 2023 dự báo sẽ lên 3,4% thay vì 3,2% như dự báo trước đó. Vì vậy, không còn kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay; các điều kiện đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm 0,5% đã không còn do lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng.

Theo lãnh đạo một NHTM tại TPHCM, lãi suất cho vay vừa qua đã giảm nhưng khi các nguồn huy động với chi phí cao trước đây đã đến thời điểm đáo hạn, nên sẽ khó có khả năng giảm thêm lãi suất cho vay. Từ đầu tháng 10-2023, NHNN đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 34% xuống 30%, nhưng áp lực từ lạm phát, tỷ giá sẽ cản trở đà giảm thêm nữa.

“Ngân hàng đang thực hiện chính sách lãi suất thực dương, tức lãi suất tiết kiệm cao hơn mức lạm phát, trong khi lãi suất tiết kiệm hiện đang ở mức thấp, nếu giảm nữa sẽ chạm ngưỡng lạm phát nên dự báo lãi suất cho vay sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm, còn nếu giảm sẽ rất nhẹ”, một lãnh đạo ngân hàng cho hay.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho biết, NHNN có thể chưa cần giảm tiếp lãi suất điều hành, vì hiện lãi suất huy động đang ở mức hợp lý, sẽ kích hoạt đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận, khi lãi suất giảm sâu, sự ổn định tỷ giá có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng tới vay nợ nước ngoài, xếp hạng tín nhiệm quốc gia…

Tăng cường kết nối cung - cầu

Mặc dù lãi suất giảm mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 11-10 mới chỉ đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14%-15%). Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ hiệu quả cho khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm cuối năm của doanh nghiệp, hiện ngành ngân hàng đang rốt ráo đẩy vốn ra nền kinh tế với nhiều giải pháp kích cầu tín dụng khác nhau.

Cụ thể, Sacombank vừa bổ sung 13.000 tỷ đồng cho phục vụ sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với lãi suất từ 5%-6%/năm; từ nay đến 31-12, Vietbank cũng áp dụng gói sản phẩm dịch vụ với lãi suất cho vay từ 6,3%/năm trong vòng 24 tháng, mức cho vay tối đa 100% phương án sử dụng vốn; Vietbank giảm thêm 0,5%/năm cho khách hàng đã có dư nợ vay tại ngân hàng…

Trong khi đó, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, thông tin, ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất hấp dẫn dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và sản xuất.

“Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, bên cạnh cho vay thế chấp, ACB cũng đẩy mạnh cho vay tín chấp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu”, ông Phát cho hay.

Ngoài ra, hiện ngành ngân hàng cũng đang tập trung kết nối cung - cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường truyền thông chính sách. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã tổ chức hàng trăm cuộc tiếp xúc, kết nối với doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Mặc dù vậy, giới phân tích đánh giá, tăng trưởng tín dụng khó hoàn thành mục tiêu 14% nhưng vẫn sẽ về đích ở mức 10%-12% dựa trên kỳ vọng tiêu dùng của phân khúc khách hàng cá nhân cuối năm hồi phục.

Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề tích cực hơn nhờ hoạt động xuất nhập khẩu, lĩnh vực bất động sản dần được tháo gỡ vướng mắc pháp lý.

Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tại TPHCM, tín dụng 9 tháng năm 2023 tăng trưởng với tốc độ khá. Ngân hàng sẽ nỗ lực củng cố xu hướng tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm bằng các động lực từ chính sách lãi suất thấp. Trong 9 tháng qua, ngân hàng đã tổ chức 25 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Qua đó, thực hiện ký kết vay vốn và giải ngân gói tín dụng ưu đãi với hơn 469.000 tỷ đồng, tăng hơn 100% gói tín dụng ưu đãi được các NHTM trên địa bàn đăng ký từ đầu năm.

Ngoài ra, đã thực hiện giải ngân gần 24.000 tỷ đồng từ gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2023 của Chính phủ, chiếm 42% so với cả nước. Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành ngân hàng TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cơ chế chính sách; phát huy hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục cải cách hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm phát huy những yếu tố tích cực để tạo ra chuyển biến trong hoạt động tín dụng, tạo sự tuần hoàn và luân chuyển vốn hiệu quả.

Tỷ giá neo cao dù NHNN hút tiền ra khỏi hệ thống

Trong quý 3-2023, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự báo nhờ người dân mạnh tay chi tiêu dù lãi suất ngày càng tăng và lạm phát cao. Theo đó, GDP của Mỹ quý 3-2023 tăng trưởng 4,9%, cao hơn dự báo 4,7% trước đó và cao hơn nhiều so với mức 2,1% của quý 2-2023. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý 4-2021. Do đó, đồng USD tăng mạnh, hiện chỉ số USD-Index đang ở mức 106,62 điểm. Tỷ giá VND/USD trong nước hiện vẫn neo ở mức cao dù NHNN đã hút khỏi hệ thống ngân hàng gần 241.600 tỷ đồng trong khoảng 1 tháng qua thông qua kênh tín phiếu.

Cụ thể, trong ngày 30-10, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố là 24.097 đồng/USD; giá USD ở các NHTM giao dịch quanh mốc 24.385 đồng/USD mua vào và 24.725 đồng/USD bán ra. Hiện tỷ giá USD/VND tại các NHTM đã tăng 4,2% so với đầu năm 2023 mặc dù cung cầu ngoại tệ không có nhiều áp lực và biến động trên thị trường không có sự đột biến.

Đến tháng 8-2023, số dư tiền gửi ngân hàng của người dân hơn 6,4 triệu tỷ đồng

Mặc dù các NHTM đã giảm mạnh lãi suất huy động nhưng tiền nhàn rỗi của người dân vẫn chảy vào ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu vẫn còn nhiều rủi ro.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của NHNN, trong tháng 8-2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 43.700 tỷ đồng - mức tăng theo tháng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua, bất chấp lãi suất tiền gửi thời gian này giảm nhanh. Lũy kế đến tháng 8-2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 6,43 triệu tỷ đồng, tăng 9,68% so với cuối năm trước.

Không chỉ khu vực dân cư mà tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng gửi thêm vào ngân hàng hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 8. Trong 8 tháng năm 2023, các tổ chức kinh tế cũng đã gửi vào ngân hàng khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1% so với cuối năm 2022.

Tin cùng chuyên mục