Lại thay đổi phương thức tuyển sinh 2016?

“Năm 2016 sẽ xét tuyển ĐH-CĐ tập trung” - thông tin này do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định đã gây xôn xao dư luận trong ngày 9-5, khi mà thời điểm thi cử, tuyển sinh đã cận kề.
Lại thay đổi phương thức tuyển sinh 2016?

“Năm 2016 sẽ xét tuyển ĐH-CĐ tập trung” - thông tin này do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định đã gây xôn xao dư luận trong ngày 9-5, khi mà thời điểm thi cử, tuyển sinh đã cận kề.

Phần mềm xét tuyển chung

Theo ông Mai Văn Trinh, Bộ GD-ĐT đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm 2015, tổ kỹ thuật đã chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy việc xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật. Phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu ĐKXT duy nhất đối với tất cả các thí sinh đã ĐKXT. Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật ở mức độ cao nhất, đảm bảo tính chính xác. Phần mềm và hạ tầng CNTT đảm bảo cho sự hoạt động thông suốt, ổn định của hệ thống sẽ do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm. Bộ đã cùng với nhà cung cấp dịch vụ tính toán các giải pháp, đồng thời yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường THPT huy động tối đa các phòng máy tính để giúp thí sinh ĐKXT thuận lợi. Kết quả ĐKXT của thí sinh sẽ được phân tải và thông qua hệ thống phần mềm để hoàn thiện cơ sở dữ liệu xét tuyển chung. Kết quả ĐKXT của thí sinh, thông tin tuyển sinh các trường (ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu, các tiêu chí xét tuyển...) cùng toàn bộ kết quả thi của thí sinh được quản trị tập trung tại một cơ sở dữ liệu duy nhất.

Nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Ảnh:Tư liệu

Sau khi đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu xét tuyển, công tác xét tuyển được thực hiện tập trung ở Bộ GD-ĐT nhờ hệ thống phần mềm. Khi có kết quả xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, không phải lo lắng về phần mềm xét tuyển của trường mình. Bộ GD-ĐT cam kết giảm tối đa tình trạng nghẽn mạng. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác xét tuyển tập trung để chỉ đạo các trường thống nhất triển khai. “Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật chứ không phải Bộ GD-ĐT ôm việc làm thay các trường, hay độc quyền khai thác dữ liệu” - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh. Điều này cũng có nghĩa, nếu thực hiện xét tuyển chung, thì việc xét tuyển theo nhóm trường ĐH (chẳng hạn nhóm GX mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì với 11 trường ĐH tham gia gồm: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Xây dựng, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Mỏ - Địa chất, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng, Thăng Long) tự giải tán vì không còn cần thiết.

Quyết định gây bất ngờ

Ngay sau khi có thông tin này, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội (trường chủ trì nhóm xét tuyển GX với 11 trường) cho biết, nếu Bộ GD-ĐT chủ trương các trường cùng tham gia vào một nhóm lớn, Đại học Bách khoa sẽ chấp hành. “Sáng 9-5, tôi đã gửi mail cho lãnh đạo các trường đăng ký tham gia nhóm GX, cảm ơn các trường đã góp công sức cho đề án. Nếu có một nhóm lớn hàng trăm trường thì việc duy trì một nhóm ít trường của chúng tôi đúng là không cần nữa. Về nguyên tắc, nhóm trường GX sẽ họp và bàn kỹ hơn. Nếu Bộ GD-ĐT cho rằng nhóm GX không cần thiết thì cũng phải có văn bản. Đại học Bách khoa vẫn có trách nhiệm nếu vẫn còn nhóm, nhưng nếu có văn bản của Bộ GD-ĐT nói nhóm trường GX không cần thiết thì Đại học Bách khoa không nhất thiết phải duy trì nhóm này” - ông Tớp cho biết. Tuy cho rằng, chủ trương xét tuyển chung trong toàn quốc của Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và giúp các trường tránh được tình trạng thí sinh ảo, nhưng quyết định này theo ông Tớp là khá đường đột với các trường.

Điều đáng nói là, để hạn chế những lộn xộn, rối rắm của tuyển sinh 2015, năm nay, Bộ GD-ĐT đã sửa đổi quy chế tuyển sinh, theo đó quy định đợt 1, thí sinh chỉ được ĐKXT tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. ĐKXT các đợt bổ sung, thí sinh được ĐKXT tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển. Quy định này dễ dẫn đến tỷ lệ thí sinh “ảo” cao, vì thế Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường lập nhóm xét tuyển để hạn chế “ảo”. Do đó, ở Hà Nội, nhóm GX đã ra đời, cùng với đó Đại học Đà Nẵng cũng lập đề án xét tuyển nhóm trong các trường thành viên; Bộ GD-ĐT cũng động viên ĐHQG TPHCM đứng ra chủ trì nhóm xét tuyển cho khu vực phía Nam. Thế nhưng, đến lúc cuối, khi mà xét tuyển theo nhóm của ĐH Bách khoa đã ngã ngũ thì bộ lại công bố sẽ xét tuyển chung. Đó chính là sự đường đột, khó hiểu mà nhiều trường ĐH cũng như dư luận quan tâm.

Rõ ràng, đến lúc này, dù đã có sự chuẩn bị thì các trường xét tuyển theo nhóm đành ở tình thế “chấp nhận”. Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng (trường tham gia nhóm GX) Trần Mạnh Dũng cho biết, mục đích lớn nhất của xét tuyển theo nhóm là nhằm chống thí sinh ảo và các trường tuyển được đúng người có năng lực. Nếu phương án của Bộ GD-ĐT giải quyết được các lo lắng trên thì “chúng tôi sẽ thực hiện theo”. Năm 2015, Bộ GD-ĐT từng đưa ra đề xuất xét tuyển theo phần mềm toàn quốc để giảm “ảo”. Tuy nhiên, nhiều trường không đồng ý nên năm 2016 Bộ GD-ĐT mới cho phép các trường thành lập xét tuyển theo nhóm. Nay, khi đã hình thành nhóm xét tuyển chung rồi bộ lại cho đưa ra phương án xét tuyển chung toàn quốc. Đó là cách làm chưa thuyết phục được dư luận.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục