
24 tập phim là 24 giờ đấu trí căng thẳng giữa cảnh sát và bọn tội phạm quốc tế. Quá nhiều tình tiết dữ dội, đa chiều đan xen trong chỉ 1 ngày. Vì vậy, phim đã có một sức cuốn hút đặc biệt đối với khán giả…

Cô bé Viện Viện (bên trái).
Nhiều nhân vật, nhiều sự kiện xoay quanh một buổi công bố phương pháp cai nghiện ma túy bằng châm cứu của Khúc Hoán Vũ, Tổng cục trưởng phòng chống ma túy. Đây là nhân vật trung tâm của câu chuyện, một nhân vật cần được bảo vệ tận răng bởi có quá nhiều phe phái thù địch nhiều tầng, nhiều lớp vây quanh. Và những kẻ thù sẽ lộ dạng dần theo từng giờ, từng phút với nhịp độ ngày càng thúc bách, căng thẳng…
Nhà làm phim tìm mọi cách để tạo cao trào với những cách đánh lừa khán giả khá ngoạn mục. Ví như nhân vật Mã Diệu Bắc, nhà kinh doanh thuốc cai nghiện ma túy xuất hiện đầu tiên khai hỏa với Khúc Hoán Vũ hóa ra chỉ là một tay xoàng xĩnh. Nên khi khán giả vừa hướng tầm ngắm đến nhân vật này thì lập tức cuộc bắt cóc vợ và con gái trưởng phòng cảnh sát Trần Dịch Danh xảy ra.
Và từ đây, tình tiết cứ dồn dập, căng thẳng trong sự sắp xếp thần kỳ của nhân vật ông Ba, còn cảnh sát Trần Dịch Danh chỉ còn là một con rối tuân theo sự điều khiển của tên tội phạm. Để giết Khúc Hoán Vũ, chúng cao tay đến mức dùng chính Trưởng phòng cảnh sát làm công việc này. Cuộc ám sát thất bại, nhưng phim cũng hé lộ nhân vật ông Ba cũng chỉ là một tên giết mướn quốc tế. Trên hắn là hai anh em Đổng Mặc Nhiên và Đổng Lam Sơn, và đây mới là đối thủ thứ thiệt của Khúc Hoán Vũ, những tên trùm ma túy tầm cỡ quốc tế…
“24 giờ phá án” đúng là 24 giờ nhà làm phim đã buộc khán giả phải căng thẳng, hồi hộp đi theo từng phút, từng giờ, từng diễn biến tâm lý của nhân vật đến phút cuối cùng. Không gian và thời gian như hoàn toàn bị cô đặc lại với những diễn tiến đa chiều trong từng số phận nhân vật. Kim đồng hồ vẫn đều đều gõ nhịp, và không gian trải ra cho từng con người trên màn hình như một thúc gọi vô hình.
Cùng giờ phút ấy, là cô bé Viện Viện bị bắt cóc, là Dịch Danh phải chạy khắp thành phố để tìm cách cứu con, là Phòng II đang cố giải mã và tìm ra nội gián, là Khúc Hoán Vũ đang đấu tranh tư tưởng để đưa đứa con trai duy nhất ra tòa… Đây là một cách làm phim hình sự tuyệt vời, nhà làm phim như tóm gọn tâm lý khán giả trong tay và cố tình bung ra vô số tình tiết chồng chất lên nhau, gây từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bằng thủ pháp tạo tình huống đánh lừa khán giả.
Đi đến gần 2/3 đoạn đường, mà không ai có thể đoán được chính Hân Di, người yêu đồng thời là người bạn đồng sự tin cẩn nhất của Dịch Danh lại chính là nội gián cho Đổng Mặc Nhiên và đưa anh vào chỗ chết. Nhưng cũng chính vì quá sa đà vào tình tiết gây hấp dẫn và bất ngờ nên phim đã để lại nhiều chỗ hẫng cho khán giả. Dày công tạo tình huống trong suốt 23 giờ hết sức lôi cuốn, cuối cùng tác giả đành phải phải nhấn một cái kết hoàn toàn không thuyết phục ở giờ thứ 24. Bởi không ai có thể hiểu được vì sao cô Hân Di lại làm nội gián cho Đổng Mặc Nhiên chỉ với một lý do đơn giản là đã từng đi mua ma túy cho người yêu.
Mà cái lý do đi mua ma túy lại càng không thuyết phục vì với cương vị của Hân Di, cô có thể đưa người thân vào trại cai nghiện bằng phương pháp khoa học đàng hoàng. Hân Di ngay ở giờ 22, 23 vẫn có thể thản nhiên báo cho Đổng Mặc Nhiên bắt cóc Viện Viện và xếp đặt để đưa Dịch Danh vào chỗ chết thì bỗng nhiên ở giờ 24, tâm lý lại thay đổi đến bất ngờ. Cái tâm lý này chỉ có thể được xếp đặt bởi bàn tay đạo diễn chứ không thể có thật ngoài đời.
Và vì vậy, tất cả những công sức suốt 23 giờ nóng bỏng, bỗng dưng đến giờ 24, hai chữ “phá án” đã không còn có ý nghĩa, bởi nếu không có sự hồi tâm của Hân Di thì ai sẽ là người thắng cuộc?! Và vì phim quá mải mê những chi tiết cuốn hút người xem, nên “24 giờ phá án” vô hình trung lại cho thấy sự lúng túng và vô cùng bị động của bộ máy công an Trung Quốc trước một hệ thống tội phạm cực kỳ tinh vi và cao cường…
NGÔ NGỌC NGŨ LONG