Tại huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên), lâm tặc ồ ạt chở gỗ như hành quân. Từ các rừng đặc dụng Krông Trai, rừng Suối Trai, Krông Pa… chúng dùng mô tô cột gỗ phía sau yên xe, nối đuôi nhau chạy bạt mạng trên quốc lộ 25 gây nhiều nỗi kinh hoàng cho người dân địa phương. Các cơ quan chức năng vào cuộc kiểu “rung cây dọa khỉ” càng khiến người dân bất bình.
- Màn đêm không yên tĩnh
Một ngày giữa tháng tám, chúng tôi theo chân một thanh niên địa phương quan sát tình hình lâm tặc vận chuyển gỗ lậu trên quốc lộ 25, đoạn qua xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa). Ngồi chờ ở một quán nước tại ngã tư Cây Me (thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) trên quốc lộ 25 từ đầu giờ chiều đến 18 giờ nhưng chúng tôi chưa thấy động tĩnh gì của lâm tặc. Đường khá vắng vẻ, thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy, ô tô ngược xuôi.
Chị Trần Thị Mơ, chủ quán nước, cho biết: “Mấy anh đợi chút nữa đi! Đêm nào lâm tặc cũng vận chuyển gỗ về xuôi, rộn ràng nhất là khi mặt trời vừa khuất núi cho đến khuya. Từ các rừng đặc dụng Krông Trai, rừng Suối Trai, Krông Pa,… lâm tặc sử dụng xe máy vận chuyển các loại gỗ như lim, trắc, hương, cà te… theo quốc lộ 25 từ xã Krông Pa đi xã Ea Chà Rang - ngã tư Cây Me (xã Suối Bạc) rồi xuôi theo ĐT 646 về khu phố Tây Hòa (thị trấn Củng Sơn) hoặc theo tuyến đường ĐT 646 từ xã Sơn Phước ra quốc lộ 25 về xã Suối Bạc…
Chúng đi theo từng tốp nhỏ, mỗi lần từ 20 - 30 xe, lúc cao điểm lên tới 50 - 60 xe, hầu hết đều là Honda 67, xe Trung Quốc “độ” lại và chạy với tốc độ 80 - 90 km/giờ. Do đó, ngồi đây có thể nghe tiếng xe từ cách xa hơn 100m”.
Vừa nói, chị Mơ vừa đưa mắt nhìn về một người khách đeo kính đen, mặc đồ rằn ri, ngồi rít thuốc liên tục, mắt cứ ngó nghiêng dò xét mọi động tĩnh xung quanh. Người bạn đi cùng vội ghé thầm tai tôi: “Người này đang canh công an, kiểm lâm đấy. Với tình hình này, độ nửa tiếng nữa chúng sẽ về”. Để tránh mặt tên cảnh giới, chúng tôi vội lên xe chạy ngược về phía cầu Chà Mâm (xã Suối Bạc) tìm nơi quan sát khác.
Lúc này trên đường thi thoảng xuất hiện một vài mô tô chở cưa máy, rìu, rựa chạy qua, vài người điều khiển phương tiện nhìn chúng tôi chằm chằm rồi luồn tay rút điện thoại di động ra gọi… Đoàn người này đi khuất thì đường lại tối mịt, không gian im ắng đến rợn người. Bất ngờ tiếng nổ của xe máy rền vang, từ xa xuất hiện những ánh đèn sáng bừng. Khi đoàn xe chạy qua, chúng tôi thấy trên mỗi yên xe chất từ 2 - 3 súc gỗ. Anh bạn ngồi sau rút vội máy ảnh để sẵn chế độ bấm liên hồi. Thấy ánh đèn flash, các đối tượng trên càng nẹt pô, rú ga phóng như điên. Chúng tôi cũng quay đầu xe máy rượt theo. Nhưng chỉ được khoảng 2km thì xuất hiện 3 chiếc xe máy chở theo 6 tên ép xe chúng tôi vào giữa, một tên hỏi nhanh: “Chụp gì đấy?”. “Dạ mới mua máy, tụi em chụp vu vơ ban đêm để thử máy”, anh bạn cầm máy trả lời. Rất may khi ấy chúng tôi đã đến gần khu dân cư nên bọn chúng cho xe vọt đi và để lại lời nhắn: “Ranh con! Muốn chết hay sao mà ra đường giờ này. Liệu mà “phắng” (biến đi - PV). Bọn tao còn thấy lần nữa sẽ cho người “mang” (đâm - PV) cho chết tươi bây giờ”. Chiếc xe thứ hai cũng vọt lên, tên ngồi sau đưa chân đạp thẳng vào xe khiến chúng tôi ngã nhào. Vừa dựng xe đứng dậy, chưa kịp định thần, trước mắt chúng tôi lại xuất hiện hàng chục xe chở gỗ lậu đua nhau chạy như thể đây là đường… một chiều. Trong tích tắc, chúng tôi chỉ còn cách lao đại xuống rãnh sâu ven đường để tránh…
Đến 21 giờ, khi xe tuần tra của lực lượng chức năng xuất hiện thì chẳng còn thấy bóng dáng của bất cứ xe chở gỗ nào. Mặc dù lực lượng chức năng đã lập khá nhiều trạm kiểm soát trên quốc lộ 25 nhưng gỗ lậu vẫn “lọt” qua và đưa về thị trấn Củng Sơn cất giấu. Khi có mối mua hàng, đầu nậu sẽ đi đến từng nhà thu gom và chuyển về xuôi bằng xe tải…
- Bất lực hay ngó lơ?
Theo người dân địa phương, lịch hoạt động hàng đêm của lâm tặc rất đều đặn, đêm nào cơ quan chức năng tăng cường tuần tra thì chúng lùi thời điểm hoạt động lại từ 1 - 2 giờ. Với những hộ dân ở ven quốc lộ 25, từ lâu lâm tặc đã đem đến cho họ những nỗi kinh hoàng, khiếp đảm. Vào ban đêm, những nhà sống ven lộ thường đóng chặt cửa và rất ít người dám ra đường. Người dân thôn Tân An vẫn chưa thể quên trường hợp chị Nguyễn Thị Xem (sinh năm 1962 - ở thôn Tân An) bị đối tượng Đặng Thanh Được (trú thị trấn Củng Sơn) chạy xe máy chở gỗ từ sau húc tới ngay trước cổng nhà phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) điều trị.
Chị Xem nhớ lại: “Lúc đó khoảng 18 giờ ngày 25 tháng chạp năm trước, khi đang từ nhà hàng xóm trở về, tôi bỗng nghe một cái rầm từ phía sau rồi không biết gì nữa. Ba ngày sau tỉnh dậy, mới thấy mình đang nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Vụ tai nạn làm tôi bị gãy tay, chân và chấn thương cổ phải lưu lại hơn một tháng để các bác sĩ theo dõi, điều trị”.
Theo ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, việc ngăn chặn nạn vận chuyển gỗ lậu rất khó khăn, phức tạp do hầu hết các đối tượng đều rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị truy đuổi. Trước khi hoạt động, những đối tượng này cắt cử người thường xuyên túc trực khắp nơi để theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng. Bất cứ động tĩnh nào đều được chúng sử dụng điện thoại báo cho đồng bọn. Khi đồng bọn bị truy đuổi, bọn chúng lại lạng lách, đánh võng để cản đường xe tuần tra, thậm chí sẵn sàng chạy vượt lên dàn hàng ngang và chủ động tông vào ngay trước đầu xe kiểm lâm để cản đường.
Ông Tâm kể lại: “Ngày 30-7 vừa qua, khi chúng tôi chặn một xe chở gỗ lậu, lập tức 20 lâm tặc ùa lại, tay lăm lăm rìu rựa, mã tấu, liên tục hăm dọa anh em. Mặc dù có súng trong tay nhưng do các đối tượng trên chưa chống trả quyết liệt nên chúng tôi không thể sử dụng. Sau đó nhờ lực lượng công an tới kịp nên các đối tượng trên “bỏ của chạy lấy người”. Cách đây hơn mười ngày, chúng tôi cũng bị một nhóm lâm tặc khác bao vây tại buôn Ma Toàn (xã Ea Chà Rang). Nhờ bà con đồng bào ùa ra giải cứu nên các đối tượng trên bỏ chạy, không tẩu tán kịp số lượng gỗ chở theo”.
Còn ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, thừa nhận: “Tình hình ngăn chặn gỗ lậu gặp khó khăn do lực lượng chuyên trách mỏng, thiếu phương tiện chuyên dùng trong khi mức răn đe, xử phạt còn thấp nên chưa ngăn chặn triệt để nạn chở gỗ lậu”.
Phú Hữu