Làm thế nào để bình ổn giá thuốc?

Bao giờ ngành dược thoát khỏi cái ao làng mang tên bào chế?
Làm thế nào để bình ổn giá thuốc?

Ngày 25-4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị ngành dược năm 2008. Vấn đề nổi lên của ngành dược hiện nay, đó là trình độ phát triển còn manh mún, điều đó cũng dẫn đến việc quân bình cung cầu và bình ổn thị trường dược phẩm Việt Nam hiện nay vẫn gặp nhiều bất ổn.  

Bao giờ ngành dược thoát khỏi cái ao làng mang tên bào chế?  

Làm thế nào để bình ổn giá thuốc? ảnh 1

Khâu đóng gói thuốc tại Công ty Dược Bảo Long. Ảnh: MAI HẢI

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận, công nghiệp dược Việt Nam hiện nay chủ yếu là ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc generic, đa phần có dạng bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp, chưa thực hiện được những nghiên cứu, đánh giá thử tương đương sinh học và sinh khả dụng (BA/BE) của thuốc.

Bao lâu rồi, ngành dược vẫn loay hoay với cái ao làng mang tên bào chế. Đó là hậu quả của việc các doanh nghiệp dược Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu phát triển tự phát, đầu tư trùng lắp, thiếu định hướng vĩ mô, dẫn đến nhiều DN tập trung sản xuất những loại thuốc thông thường mà chưa chú ý đầu tư sản xuất các loại thuốc có dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa đặc trị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, trên 90% nguyên liệu phục vụ công nghiệp dược, 50% giá trị thuốc thành phẩm, đặc biệt đối với nhóm tác dụng lý và hoạt chất phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đó cũng là lý do tại sao mà người dân Việt Nam luôn phải chấp nhận mua thuốc chữa bệnh (hầu hết là thuốc nhập khẩu) theo kiểu “bị móc túi” một cách oan ức. Việt Nam được mệnh danh là nằm trên một núi thuốc, nhưng chúng ta gần như cứ phải bỏ tiền nhập nguyên liệu từ nước ngoài, đó là cái yếu kém của ngành dược Việt Nam dù đã được chỉ ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Ngoài ra, hệ thống lưu thông, phân phối thuốc còn thả lỏng, nên hậu quả là trong những năm qua, ngành y tế chưa thể kiểm soát hoàn toàn việc tăng giá thuốc trên thị trường cũng như sự tồn tại bất hợp lý giữa giá trị thực của thuốc với giá bán. “Chúng tôi chưa kiểm tra, kiểm soát hoàn toàn được việc tăng giá thuốc tự phát ngoài thị trường do vấn đề cung – cầu, đặc biệt là đối với thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc hiếm do thông tin quảng cáo thuốc, hoặc do thiếu thuốc khi xảy ra thiên tai.

Trên thị trường vẫn tồn tại sự bất hợp lý giữa giá trị thực của thuốc so với giá bán thuốc làm tăng chi phí khám chữa bệnh của người dân và ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận. Và theo ông, thị trường dược phẩm có thể có nguy cơ biến động. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, Cục Quản lý dược Việt Nam cũng nhận định từ nay đến cuối năm, giá thuốc sẽ tăng nhẹ do những ảnh hưởng từ giá nguyên liệu cũng như chi phí đầu vào.  

Lựa chọn sản phẩm chủ lực  

Theo Bộ Y tế, giải pháp để bình ổn thị trường dược không có con đường nào khác chính là đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp dược. PGS-TS Trịnh Văn Lẩu, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ đặt vấn đề, ngành y tế cần đẩy mạnh việc sản xuất thuốc trong nước, các loại thuốc generic để cung cấp cho hệ thống y tế công lập, thuốc điều trị trong danh mục bảo hiểm y tế…

 

Hiện nay, thị trường dược phẩm Việt Nam đã đạt quy mô 1,136 tỷ USD. Dự kiến năm 2008 sẽ đạt 1,34 tỷ USD; thuốc sản xuất dược trong nước đáp ứng 52,86% nhu cầu tiêu dùng thuốc trong nước...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cần lựa chọn một vài sản phẩm, có thể là thuốc tây hoặc sản phẩm từ dược liệu để xây dựng các sản phẩm mang tính chất quốc gia, rồi đầu tư sản xuất với quy mô lớn, vừa bảo đảm tiêu dùng trong nước, vừa xuất khẩu. “Tới đây, ngành dược cần xem xét các lợi thế của Việt Nam để phát triển ngành. Ngành cơ khí của ta rất phát triển, vậy thì có thể đóng góp cho việc sản xuất thiết bị y tế với lợi thế giá thành rẻ, cạnh tranh với các nước”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Nhà nước đã có chiến lược, quy hoạch phát triển dược, nhưng vì sao đến nay vẫn triển khai chậm, ngành dược phải xem lại. Ngoài ra, nên đẩy mạnh kiểm soát giá, có trang web thông báo giá để DN, người dân tự kiểm tra, đồng thời công khai xử phạt DN vi phạm về giá bán. “Một thực tế hiện nay mà ngành dược luôn kêu ca là nhân lực của ngành dược thiếu và yếu. Vậy các anh thống kê đi, cần bao nhiêu để đáp ứng cho phát triển, rồi đặt hàng với Bộ GD-ĐT, họ sẽ đào tạo”, Phó Thủ tướng nói.

 

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục