Làn gió mới trong Con rồng cháu tiên phiên bản 2017

Sau 4 ngày chính thức xuất hiện trên YouTube, bộ phim hoạt hình Con rồng cháu tiên phiên bản 2017 đã gây chú ý lớn khi thu hút hơn 5,2 triệu lượt xem.
Những khung hình được thực hiện kỹ lưỡng trong Con rồng cháu tiên 2017 Ảnh: Đ.P.C.C
Những khung hình được thực hiện kỹ lưỡng trong Con rồng cháu tiên 2017 Ảnh: Đ.P.C.C
Bộ phim dựa trên câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam, đã in đậm dấu ấn của ê kíp những người rất trẻ. Các bạn đã thổi một làn gió đầy tươi mới, đậm tinh thần dân tộc vào thể loại phim hoạt hình, dù vẫn còn những hạn chế nhất định.    
Ý tưởng táo bạo
Con rồng cháu tiên là câu chuyện dân gian thần thoại đầu tiên và phổ biến nhất lý giải cội nguồn dân tộc Việt. Trước khi bộ phim năm 2017 ra đời đã có rất nhiều phiên bản hoạt hình dựa trên câu chuyện cổ tích này.  
Theo đạo diễn Leo Đinh của đơn vị sản xuất Redcat Motion: “Chúng tôi đã chờ một dự án như thế này trong suốt 5 năm. Nhưng khi đứng trước quyết định làm bộ phim, ê kíp đã đối mặt với quá nhiều khó khăn. Một câu chuyện gói gọn chỉ vẻn vẹn trong hơn 1 trang giấy, làm thế nào để truyền tải lên màn ảnh để mọi người hiểu về nguồn gốc tổ tiên. Sáng tạo nhưng tiết chế, thể hiện quan điểm mới nhưng vẫn đậm tính dân tộc, hồn Việt, gần gũi với trẻ em hiện nay, là những thách thức lớn”. Ông Phan Văn An, Giám đốc Hãng phim Trẻ, đơn vị đồng sản xuất và phát hành bộ phim cho biết: “Làm sao để kể một câu chuyện cũ mới mẻ nhưng không sai lệch mà vẫn đảm bảo sự hấp dẫn, hiện đại là một bài toán khó”.
Vẫn dựa theo chất liệu dân gian, nhưng Con rồng cháu tiên 2017 không đơn thuần là câu chuyện Rồng - Tiên gặp gỡ và kết duyên, sinh ra bọc trăm trứng, mà ở đây còn hé lộ thêm nhiều tuyến nhân vật phụ, những trường đoạn được đưa lên thành kịch tính để kích thích người xem, tạo sự thích thú và tò mò. Ê kíp thực hiện đã mất 2 tháng lên ý tưởng, tìm kiếm các tư liệu lịch sử, văn hóa và giáo dục. Chị Kiều Thiên Vân, Giám đốc sáng tạo của bộ phim, chia sẻ: “Chúng tôi phải thật tỉ mỉ và cẩn trọng trong việc hiện thực hóa các hình tượng vốn đã đi vào tiềm thức người Việt và định hình lại nó để vừa chân thật, vừa đẹp”. Hình tượng con rồng trong phim được lấy nguyên mẫu rồng thời nhà Lý. Hình tượng bọc trăm trứng với hàng trăm đốm sáng chuyển động được đặt trên đài sen - vốn được coi là quốc hoa của Việt Nam, cũng là một ý tưởng táo bạo, độc đáo.  
So với nhiều phiên bản khác, tính cách các tuyến nhân vật cũng được khắc họa rõ nét hơn, dù là nhân vật chính diện hay phản diện. Câu chuyện cổ tích xưa cũng được biến tấu như phân cảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ nhau, đem lòng yêu thương, cảnh Rồng và Lạc (chim Lạc) hợp sức chống lại các yêu quái…    
Nỗ lực đáng ghi nhận
Thành quả của Con rồng cháu tiên in đậm dấu ấn sáng tạo của những người trẻ Việt, trong đó đa phần thuộc thế hệ 9X. Một trong những điểm đáng ngợi khen của Con rồng cháu tiên 2017 là sự đồng điệu giữa hình ảnh và âm thanh, nhạc phim và ca khúc trong phim. Âm nhạc được trau truốt kỹ lưỡng từ bản phối, từng âm sắc, từng giai điệu, vừa thể hiện được tính truyền thống, vừa mang tính thời đại.
Đặc biệt, ca khúc chủ đề của bộ phim Cùng nhau ta thắp sáng (sáng tác Thanh Bùi, lời Khánh Linh) do ca sĩ Bích Ngọc và nhóm Soul Kids trình bày rất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét tinh túy của âm nhạc dân gian, hùng hồn và hào sảng. Hình ảnh trong phim với sự kết hợp giữa kỹ thuật 2D và 3D đã tạo ra hàng chục ngàn khung hình, góp phần mang đến những thước phim chân thật và sống động dù đôi khi nó chưa thật sự sắc sảo. 
“Điều khiến chúng tôi hài lòng nhất là mỗi chi tiết đều được nghiên cứu kỹ. Nếu có thêm thời gian 6 tháng chắc chắn mọi thứ sẽ được chỉn chu hơn trong từng chi tiết, ông Hùng Võ, Giám đốc dự án kiêm Giám đốc nội dung cho biết. Một thông điệp ý nghĩa mà ê kíp gửi gắm, đó là thông qua bộ phim, mong muốn trẻ em Việt thêm hiểu, yêu văn hóa dân gian và tự hào về cội nguồn dân tộc, nhất là trong thời đại công nghệ, văn hóa nước ngoài ngày càng ảnh hưởng sâu rộng.
Theo kế hoạch, ngoài phát miễn phí trên YouTube, Con rồng cháu tiên 2017 còn được phát trên một số kênh truyền hình như HTV3, Zing TV... Ngoài ra, bộ phim sẽ được mang đến trình chiếu tại hơn 100 trường tiểu học tại 12 tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng... và sử dụng như một tư liệu giảng dạy sinh động. Các hoạt động bên lề như thi viết bài cảm nhận, vẽ tranh... cũng được thực hiện song song để tạo sự lan tỏa, khơi dậy lòng tự hào cội nguồn dân tộc

Tin cùng chuyên mục