Lan tỏa đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương… đã triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch và dần hình thành các trung tâm thiết kế vi mạch. Sự lan tỏa này xuất phát từ chương trình đào tạo vi mạch ở Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP).

Sự kiện tạo sự lan tỏa trong đào tạo thiết kế vi mạch là tháng 9-2023, SHTP ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center - ESC) - trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Trung tâm Đào tạo SHTP.

o3b-6688-80.jpg
Sinh viên tìm hiểu mô hình đào tạo vi mạch tại Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn SHTP

Sinh viên tìm hiểu mô hình đào tạo vi mạch tại Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn SHTP

“ESC được đánh giá là nơi cung cấp chương trình đào tạo bài bản nhất hiện nay theo tiêu chuẩn IPC (International Process Control), được áp dụng rộng rãi bởi các tập đoàn công nghệ thế giới, chương trình đào tạo do chuyên gia Việt Nam làm việc lâu năm ở các tập đoàn điện tử lớn ở Thung lũng Silicon (Hoa kỳ) trực tiếp giảng dạy. Việc đào tạo đi vào trọng tâm khi Trung tâm Đào tạo SHTP hợp tác cùng nhiều tập đoàn vi mạch thế giới như Mediatek, Synopsys, Sun Electronics… để nâng cao chất lượng đào tạo, thiết kế vi mạch”, ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo SHTP, chia sẻ.

Từ mô hình và thực lực của ESC, nhiều tỉnh thành đã công bố các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch. Đầu tháng 1-2024, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Sun Edu (thành viên ESC) khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên. Cuối tháng 1-2024, ESC và Trường Đại học Lạc Hồng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo, thành lập trung tâm vi mạch tại Đồng Nai. Sự kiện này nhận được sự quan tâm của được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích các trường đại học đào tạo nhân lực ngành vi mạch.

Theo GS-TS Đặng Lương Mô, xác định được mô hình đào tạo chuẩn, gắn liền với sự phát triển của ngành vi mạch trên thế giới là cách mà các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực vi mạch hướng đến. Từ ESC ở SHTP và qua việc liên kết với các trường đại học khu vực phía Nam thời gian gần đây, không chỉ mở rộng việc đào tạo mà còn tạo sự lan tỏa trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch để đón đầu nhu cầu nhân lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp… thời gian tới là hết sức cần thiết.

Năm 2024, SHTP với mục tiêu góp phần thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới, bắt đầu đào tạo nguồn nhân lực, góp phần nhân rộng các mô hình đào tạo. “TPHCM đã xác định lĩnh vực điện tử và vi mạch là một trong những ngành ưu tiên phát triển nên Ban quản lý SHTP không những tiếp tục tăng cường hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực mà còn có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này để phát triển ngành vi mạch của thành phố”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết.

Tin cùng chuyên mục