Làng hoa cúc Bình Định lo mất vụ tết

Thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) được xem là làng nghề trồng hoa cúc cảnh truyền thống lớn nhất của tỉnh Bình Định, thu về 6-7 tỷ đồng/năm. Song, năm nay do mưa bão liên tục khiến hoa cúc đồng loạt đổ bệnh, cả làng hoa này đứng trước nguy cơ mất vụ tết.
Làng hoa cúc Bình Định lo mất vụ tết

Ông Phan Đình Muộn (65 tuổi, xóm Đông, thôn Bình Lâm) nói: “Năm nay, tôi trồng gần 1.000 chậu cúc để cung ứng thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vừa rồi do ảnh hưởng của cơn bão số 5, hàng trăm chậu cúc đồng loạt đổ bệnh đốm lá dẫn đến còi cọc, rũ ngọn chết… Bình thường mỗi chậu cúc tết có giá 350.000 - 400.000 đồng, nhưng năm nay chỉ còn một nửa giá. Tôi có 600 chậu cúc loại 1 bị thiệt hại nặng...”. 

Ông Muộn cho biết thêm, ở xóm Đông có gần 200 hộ trồng cúc nhưng thiệt hại khoảng 70% do mưa bão, sâu bệnh. Đa số các hộ đang sử dụng thuốc trừ sâu để hạn chế mầm bệnh mong cứu hoa. Các chủ vườn đang chuyển hướng trồng thêm các loại hoa ngắn ngày để vớt vát vụ tết. Theo các hộ trồng cúc lâu năm ở Bình Lâm, hoa cúc vốn là dòng hoa truyền thống ở nhiều làng nghề hoa tết khu vực miền Trung.

Vài năm trở lại đây, các làng nghề phát triển mạnh, người dân trồng hoa theo kiểu tự phát nên không đảm bảo về môi trường và kiểm soát dịch bệnh. Báo động nhất là tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu quá mức, cùng một thời điểm, đang biến các làng hoa trở thành “điểm đen” ô nhiễm.

Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: “Làng nghề trồng hoa cúc Bình Lâm có trên 300 hộ. Hàng năm, người dân trồng từ 90.000 - 100.000 chậu cúc để cung ứng thị trường tết. Năm nay, do nhiều nguyên nhân khiến làng hoa đứng trước nguy cơ thất thu. Sắp tới, địa phương sẽ quy hoạch làng hoa vào khuôn khổ, phát triển theo quy trình khép kín. Ngoài ra, địa phương định hướng sẽ phát triển làng nghề đa dạng hơn để giúp người dân tăng năng suất, giảm thiểu các rủi ro…”.

Tin cùng chuyên mục