Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ 636 nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Sáng 20-11, Thành ủy TPHCM đã tổ chức chương trình kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2022) gặp gỡ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiêu biểu thành phố và trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022.

 

 

 

Đến tham dự có các đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu và trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Biến thử thách trở thành động lực phát triển

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo và hiếu học. Bắt đầu từ năm 1982, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 chính thức được sáng lập. Tinh thần ấy ngày càng được phát huy, hun đúc thành truyền thống trong văn hóa giáo dục và đời sống của người Việt Nam.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là ngày cả xã hội tôn vinh các thế hệ nhà giáo, những người lái đò thầm lặng, ươm mầm xanh cho đất nước, biến trường học trở thành cái nôi rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ thành những người có ích, những người chủ tương lai của đất nước. 

 Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo TPHCM mong muốn mỗi thầy cô giáo trong toàn ngành phấn đấu là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo vì người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực, yêu thương và giàu tính nhân văn.

Để dạy học trò, nhà giáo phải tích lũy kiến thức, giữ gìn phẩm chất, phát triển tư duy, luôn nâng cao nhận thức tự học và sáng tạo không ngừng. 

TPHCM đang trải qua những ngày tháng khó khăn, nhiều thử thách từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cả xã hội phải điều chỉnh, trong đó ngành giáo dục với sự tích cực, năng động của các thầy cô giáo đã thích ứng linh hoạt cùng các giải pháp sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và quản lý nhà trường, đưa năm học 2021 - 2022 về đích an toàn và hiệu quả, tạo tiền đề tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong năm học 2022-2023 và những năm học tiếp theo.

Ngoài ra, thử thách đối với ngành giáo dục và đào tạo còn đến từ lộ trình thay đổi chương trình giáo dục phổ thông, những kỳ vọng đặt ra nhằm tạo động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh buổi Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ 636 nhà giáo tiêu biểu và trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG 

Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra nhiệm vụ đối với ngành giáo dục thành phố là “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm giáo dục – đào tạo của cả nước”.

Do đó, trong thời gian tới, chính các thầy cô giáo là những người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu trên, giúp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển thành phố.

Hiện nay, mặc dù đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức của một đô thị trung tâm, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM; sự đồng thuận của người dân; sự phối hợp, đồng hành của các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, sở ban ngành, quận, huyện, thành phố; giáo dục và đào tạo TPHCM vẫn không ngừng phát triển.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt 636 nhà giáo tiêu biểu và trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG 

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, những năm qua, thành phố giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp học và bậc học, phát triển hệ thống giáo dục đa dạng, xây dựng xã hội học tập. Hàng năm, TPHCM xây thêm nhiều trường học, phòng học mới, ưu tiên trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em.

Song song đó, TPHCM cũng tạo điều kiện triển khai nhiều chế độ, chính sách đặc thù thu hút đội ngũ giáo viên cho ngành; triển khai hiệu quả nhiều đề án, chương trình có tính đột phá, làm tiền đề nhân rộng cho cả nước.

Đặc biệt, TPHCM đã tiên phong thực hiện các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế. Song, để thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là trung tâm giáo dục – đào tạo của cả nước và vươn tầm quốc tế, học sinh TPHCM cần được tạo điều kiện để phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân, tính sáng tạo, dễ dàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM mong muốn mỗi công dân Thành phố mang tên Bác phải chủ động vận dụng kiến thức vào cuộc sống, tích cực nghiên cứu khoa học, sống có trách nhiệm, mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, bảo vệ lẽ phải và góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc.

Tập trung chăm lo đời sống nhà giáo

Thay mặt lãnh đạo và nhân dân TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM gửi đến các thầy cô giáo, cán bộ quản lý và nhân viên toàn ngành qua các thời kỳ lời tri ân sâu sắc và chúc mừng tốt đẹp nhất.

Đồng chí Phan Văn Mãi biểu dương ngành giáo dục thành phố đã xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập do Bộ GD-ĐT phát động, đồng thời chúc mừng Giải thưởng Võ Trường Toản qua 25 năm phát triển với nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là 50 cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay và 5 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh giáo sư năm 2022.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: CAO THĂNG

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của giáo dục trong sự nghiệp phát triển, những năm qua, TPHCM đã có nhiều quan tâm, nỗ lực trong phát triển sự nghiệp giáo dục và chăm lo cho đội ngũ trong toàn ngành. Nhờ vậy, ngành giáo dục TPHCM đã không ngừng phát triển toàn diện cả về quy mô, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy.

Trong nhiều năm qua, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá để từng bước hội nhập quốc tế, mạng lưới trường lớp được phủ khắp với phương châm “có dân sinh là có trường lớp”, luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới về phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Trong giai đoạn ứng phó với dịch Covid-19, ngành giáo dục đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nhiều mô hình hay và sáng tạo không chỉ được nhân rộng trên địa bàn TPHCM mà ở cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng bằng khen cho nhà giáo tiêu biểu được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu, mục tiêu phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, sứ mạng của ngành giáo dục hết sức nặng nề, còn nhiều việc cần làm, thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của người dân và xã hội.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ, UBND TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của đội ngũ, chuyên gia và người dân trong xã hội để cụ thể hóa trong thời gian tới.

Hiện nay, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở GD-ĐT TPHCM khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện chiến lược giáo dục của thành phố trong giai đoạn mới. Trong đó, có những việc trước mắt cần làm, có những việc trung hạn, dài hạn được đưa vào chiến lược phát triển giáo dục và các quyết sách chung của thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen cho nhà giáo tiêu biểu được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: CAO THĂNG 

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh vai trò của người thầy với sự nghiệp trồng người và sứ mạng tiên phong của thành phố. Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, thầy cô giáo vừa là kỹ sư kiến thiết nền tảng tri thức và nhân cách cho học sinh, vừa là nghệ sĩ trên bục giảng, truyền cảm hứng, niềm đam mê và hoàn thiện tâm hồn cho các thế hệ trẻ.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: CAO THĂNG 

Để người thầy thực hiện đầy đủ thiên chức này, một trong những vấn đề lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, trăn trở là chăm lo cho đội ngũ nhà giáo. Thành phố đang tập trung nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này và sẽ có giải pháp trong thời gian tới.

Việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm cũng như chăm lo, bồi dưỡng cho đội ngũ thầy cô giáo là nhiệm vụ thường xuyên, rất quan trọng, làm thế nào để thầy cô đủ niềm tin và động lực đứng trên bục giảng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: CAO THĂNG 

UBND TPHCM đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM tập trung đề xuất giải pháp, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc đổi mới dạy học và thi đua trong thời gian tới theo hướng thực chất hơn, trong đó cần tính toán kỹ lưỡng, xây dựng kế hoạch tổng thể về biên chế giáo viên, quy mô trường lớp. 

Song song đó, ngành giáo dục cần nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo thành phố cơ chế khả thi nhất để cải thiện thu nhập, bảo đảm đời sống tinh thần và vật chất, giúp các thầy cô yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Chủ tịch UBND TPHCM đề cao văn hóa học thật, học tập suốt đời, trung thực, không có bệnh thành tích, biết yêu thương và biết ơn, năng động, sáng tạo và tiên phong đổi mới. Để TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu mối giao thương và hội nhập quốc tế, đóng góp của ngành giáo dục mang tính quyết định.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: CAO THĂNG 

Đồng chí Phan Văn Mãi mong ngành giáo dục sớm hoàn thiện theo hướng giáo dục thông minh, giáo dục mở, học tập suốt đời, hoàn chỉnh quy hoạch và tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch UBND TPHCM hoan nghênh sáng kiến của Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM trong việc tổ chức Giải thưởng Võ Trường Toản để phát hiện, tôn vinh các gương thầy cô giáo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp suốt 25 năm qua. Từ đây, các nhà giáo, cán bộ quản lý nhận giải thưởng không ngừng lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp, cống hiến cho sự nghiệp trồng người của thành phố. Đồng chí Phan Văn Mãi mong giải thưởng tiếp tục tìm kiếm, phát hiện những tấm gương tiêu biểu để tiếp tục lan tỏa, động viên những đóng góp của đội ngũ trong toàn ngành.

“Lãnh đạo thành phố còn nợ thầy cô giáo nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết. Xã hội còn nợ các thầy cô sự thấu cảm và lòng tri ân. Song, tôi có niềm tin sự nghiệp trồng người của TPHCM sẽ tiếp tục được vun đắp mạnh mẽ, đội ngũ thầy cô giáo được chăm lo tốt hơn, nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức, tình yêu nghề và tự hào với sự mệnh của mình”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ.

Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Giải thưởng Võ Trường Toản, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định tặng bằng khen cho 25 nhà giáo tiêu biểu được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản qua các thời kỳ.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM cũng được nhận Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT do có nhiều thành tích xuất sắc về đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Sở GD-ĐT TPHCM cũng được nhận Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT do có nhiều thành tích xuất sắc về đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dịp này, Giải thưởng Võ Trường Toản tiếp tục vinh danh 50 nhà giáo là cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu được xét chọn giải thưởng lần thứ 25 năm 2022.

Tại buổi lễ, 636 nhà giáo tiêu biểu qua các thời kỳ đã bày tỏ lòng biết ơn, sự ghi nhận và đánh giá cao lãnh đạo thành phố đối với những nỗ lực của đội ngũ trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Từ sự động viên này, các thầy cô được tiếp thêm động lực để tiếp tục lòng yêu nghề, tinh thần tận tụy, cống hiến vì sự phát triển chung của thành phố.

Tin cùng chuyên mục